Qua khảo sát một số chi nhánh ngân hàng lớn trên địa bàn cho thấy, 10 tháng năm 2018, lượng kiều hối chuyển về tiếp tục tăng trưởng.
Qua khảo sát một số chi nhánh ngân hàng lớn trên địa bàn cho thấy, 10 tháng năm 2018, lượng kiều hối chuyển về tiếp tục tăng trưởng.
Tiếp tục tăng
Lượng kiều hối chuyển về qua Vietcombank Khánh Hòa đạt 43,3 triệu USD, tăng 10% cùng kỳ năm trước. Tại BIDV Khánh Hòa, lượng kiều hối đạt khoảng 10 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Doanh số kiều hối 10 tháng của Agribank Khánh Hòa đạt gần 9,2 triệu USD, tăng 2,38% so với cùng kỳ. Dự báo lượng kiều hối chuyển về cả năm qua chi nhánh đạt khoảng 10,6 triệu USD. Nguồn tiền chủ yếu là trợ cấp cho người thân, từ người thân xuất khẩu lao động và để đầu tư bất động sản... Trong đó, nguồn kiều hối từ thân nhân định cư ở nước ngoài được duy trì ổn định và tăng trưởng qua các năm; từ nguồn xuất khẩu lao động tuy còn ít nhưng đang có xu hướng tăng dần. Đầu ra của kiều hối là gửi vào ngân hàng để lấy lãi, đầu tư cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, tích trữ vàng, đầu tư bất động sản và tiêu dùng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, Việt Nam đứng thứ 10 trong các nước nhận kiều hối lớn nhất với 13,8 tỷ USD. Qua thống kê, tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất (chiếm 55%), kế đó là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Năm 2018, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tiếp tục ổn định. Kiều hối góp phần tăng cường dự trữ ngoại hối, cân đối trong cán cân thanh toán thương mại, là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội…
Thu hút kiều hối
Agribank Khánh Hòa cung cấp nhiều sản phẩm chi trả kiều hối như: thông qua tài khoản khách hàng mở tại Agribank, qua Western Union, chi trả kiều hối từ các thị trường chuyên biệt như Đài Loan (thông qua ngân hàng BNY Mellon Taipei hay China Trust Bank), thị trường Hàn Quốc (thông qua ngân hàng Kookmin Bank hoặc Nonghyup Bank)… Lượng kiều hối về ngân hàng tăng dần qua các năm. Đến ngày 31-10, lượng mua ngoại tệ từ nguồn kiều hối chiếm khoảng 7,7% trên tổng số giao dịch mua bán ngoại tệ của chi nhánh. Để thu hút nguồn ngoại tệ này, Agribank hiện đang áp dụng nhiều chính sách như: khuyến mãi khi thực hiện chi trả kiều hối; phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ chi trả kiều hối mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng. Ngoài việc chi trả kiều hối theo cách truyền thống là tại quầy, Agribank còn cập nhật thêm tiện ích chi trả kiều hối qua E-mobile banking…
Theo bà Lê Thị Kim An - Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng Vietcombank Khánh Hòa, ngân hàng có nhiều kênh để Việt kiều chuyển tiền về như: chuyển tiền thông qua tài khoản thanh toán hoặc các dịch vụ chuyển tiền như: UNI, MONEYGRAM, SWIFT, TN, XOOM… Tất cả các hình thức đều đơn giản về thủ tục, nhận tiền nhanh chóng và an toàn. Hiện Vietcombank đã có dịch vụ chuyển kiều hối về tận nhà cho người nhận tiền. Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Giao dịch khách hàng BIDV Khánh Hòa cho biết, ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng nhận kiều hối từ rất nhiều ngân hàng nước ngoài bằng nhiều kênh nhận tiền nếu khách hàng có tài khoản tại BIDV; đưa ra chương trình khuyến mãi thu hút kiều hối. Ngoài ra, BIDV còn có sản phẩm tiền gửi riêng dành cho khách hàng nhận kiều hối. Lượng kiều hối về, khách hàng rút ra sử dụng là chủ yếu, một phần bán lại cho ngân hàng và một ít gửi tiết kiệm.
Theo đại diện các ngân hàng, như thường lệ, dự báo lượng kiều hối chuyển về cuối năm sẽ tăng, chủ yếu là gần Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán do kiều bào ở nước ngoài gửi về trợ cấp cho người thân.
NAM DU
Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa: 10 tháng năm 2018, lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về Khánh Hòa thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt 81,704 triệu USD, tăng 9,6 triệu USD (tăng 13,25%) so với cùng kỳ. Nguồn kiều hối chuyển về Khánh Hòa chủ yếu từ các nước: Mỹ, Canada, Pháp, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng mạnh qua các năm. Kể từ khi NHNN áp quy định trần lãi suất USD là 0% đến nay lượng kiều hối vẫn tương đối ổn định và tăng mạnh, cho thấy mặc dù lãi suất đồng USD tại Mỹ có xu hướng tăng nhưng dòng vốn kiều hối về Việt Nam trong thời gian qua không bị tác động bởi sự chênh lệch lãi suất USD của Việt Nam và quốc tế cũng như chính sách lãi suất USD của NHNN.
Một số nhân tố thu hút nguồn kiều hối cho các năm tiếp theo: sự gia tăng của lao động Việt Nam đi nước ngoài là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự ổn định của lượng kiều hối. Sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, tỷ giá USD/VND tiếp tục giữ được sự ổn định, dự trữ ngoại hối của Nhà nước dồi dào như năm qua thì lòng tin vào VND vẫn sẽ được củng cố. Thị trường bất động sản ở Khánh Hòa đang tăng trưởng và Luật Nhà ở cho phép Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó kiều bào gửi tiền về đầu tư vào Khánh Hòa cũng mạnh mẽ hơn.