19:10, 21/11/2024

Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản: Tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với tuyên truyền

HỒNG ĐĂNG

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, góp phần đảm bảo chất lượng nông, lâm, thủy sản ngay từ khâu sản xuất. Gắn với quá trình kiểm tra, chi cục còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở sản xuất tuân thủ tốt hơn các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). 

Giám sát hàng nghìn cơ sở

Ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác thẩm định, đánh giá điều kiện bảo đảm ATTP tiếp tục được triển khai một cách thực chất, hiệu quả. Theo đó, chi cục đã tiến hành thẩm định (xếp loại và định kỳ) điều kiện đảm bảo ATTP cho 381 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, thủy sản và 287 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Kết quả, có 7 cơ sở đạt loại A, 658 cơ sở đạt loại B và 3 cơ sở đạt loại C. Qua đó, nâng tổng số cơ sở thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý trên địa bàn tỉnh lên gần 1.200 cơ sở.

Một số sản phẩm trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản do chi cục triển khai.

Đối với việc giám sát chất lượng ATTP, tính từ đầu năm đến hết tháng 10-2024, chi cục đã lấy ngẫu nhiên 130 mẫu thực phẩm nông, thủy sản để phân tích các chỉ tiêu vi sinh, hóa học. Kết quả, có 116 mẫu đạt yêu cầu, 2 mẫu không đạt và 12 mẫu chưa có kết quả. Đối với cơ sở có kết quả mẫu không đạt, chi cục yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không bảo đảm ATTP; điều tra nguyên nhân, thực hiện hoạt động khắc phục và báo cáo kết quả gửi về chi cục trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Thực hiện chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trên thủy sản nuôi, chi cục đã lấy ngẫu nhiên 24 mẫu thủy sản, bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú thương phẩm tại vùng nuôi Vạn Ninh, Cam Ranh, Cam Lâm và Ninh Hòa. Kết quả, 24/24 mẫu thủy sản tại các vùng nuôi đã được chỉ định phân tích không phát hiện dư lượng các chất độc hại vượt mức giới hạn tối đa cho phép.

Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản quét mã truy xuất nguồn gốc xoài Cam Lâm.

Từ đầu năm đến nay, chi cục đã tiếp nhận 1.132 hồ sơ tự công bố sản phẩm theo Nghị định số 15, ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và đăng công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Về công tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, năm nay, chi cục phối hợp với UBND thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm tiến hành khảo sát và lựa chọn đối tượng tham gia triển khai nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp gia súc (chăn nuôi heo tại Ninh Hòa) và gia cầm (chăn nuôi gà tại Cam Lâm). Đến thời điểm này, các chuỗi chăn nuôi đã cơ bản hoàn tất quy trình chăn nuôi khép kín, đạt chuẩn VietGAP để cho ra thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt, gắn với quá trình kiểm tra, thẩm định, cán bộ chuyên môn của chi cục thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở hoàn thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế có thể ảnh hưởng đến chất lượng ATTP. Nhất là nhắc nhở, yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; mua sắm, cải tạo trang thiết bị, dụng cụ chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản đáp ứng yêu cầu theo quy định…; nhắc nhở, hướng dẫn các cảng cá tổ chức vệ sinh cảng sạch sẽ, hướng dẫn người phụ trách mảng ATTP ghi chép hồ sơ tại cảng cá, khắc phục các lỗi trên hồ sơ và điều kiện chung của cảng cá. Đồng thời, hướng dẫn cảng cá phổ biến cho các cơ sở thu mua thực hiện các thao tác bốc dỡ thủy sản tại cảng đúng quy định.

Kiểm tra một cơ sở chăn nuôi gà tại huyện Cam Lâm.

Đối với công tác tập huấn, tuyên truyền, từ đầu năm đến nay, chi cục đã tổ chức 12 lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh với 640 lượt người tham gia; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức treo 200 tờ phướn tại các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, người tiêu dùng trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn. Ngoài ra, chi cục đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 8 lớp đào tạo với 202 cán bộ cấp xã, huyện tham gia, nhằm nâng cao năng lực trong công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản và hướng dẫn địa phương thực hiện các chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí nông thôn mới cho cán bộ phụ trách tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh.

Kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong kho lạnh bảo quản thực phẩm của một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Suối Dầu.

Ông Nguyễn Ngọc Việt cho biết, thời điểm cuối năm, các mặt hàng phục vụ cho thị trường dịp lễ, Tết sôi động hơn ngày thường. Do đó, cùng với việc thường xuyên thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục tập trung vào công tác thẩm định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường lấy mẫu giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiến hành lấy mẫu hậu kiểm, phân tích các chỉ tiêu ATTP theo quy định; đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP trong những tháng cuối năm 2024; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý ATTP; giới thiệu mặt hàng nông, lâm, thủy sản an toàn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch hành động của tỉnh về đảm bảo chất lượng ATTP, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch, đó là: 95% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP; 93% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định ATTP; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng 5 đến 10% so với năm 2023.

HỒNG ĐĂNG