Với tiềm năng thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và đời sống của người nông dân. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.
Nhiều mô hình tiêu biểu
Bưởi da xanh là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương trong nhiều năm qua. Vì thế đã thu hút rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đầu tư để phát triển cây trồng này. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào mô hình phát triển bưởi da xanh trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. Doanh nghiệp cũng liên kết với nhiều trang trại, chủ vườn trong và ngoài huyện, tỉnh để xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa.
Bưởi da xanh được trồng trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh. |
Theo bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn, hiện công ty đang cung ứng trung bình 150 tấn bưởi/tháng, những tháng cao điểm có thể lên tới 400 tấn. Ngoài ra, công ty đã xuất khẩu nông sản ra các thị trường quốc tế. Để tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp đã chủ động rà soát, tìm kiếm và ký hợp đồng với gần 20 lao động địa phương. Việc thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không những mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương mà còn góp phần đưa giá trị, thương hiệu công ty phát triển.
Tìm hiểu được biết, để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, huyện Khánh Vĩnh đã quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, địa phương cũng tích cực kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, với thế mạnh là phát triển nông nghiệp, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có hàng chục mô hình sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Điển hình như, mô hình trồng bưởi da xanh của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (hộ nghèo, cận nghèo) xã Khánh Thành đang thực hiện Dự án liên kết chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; mô hình trồng dứa mật của các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp xanh Sơn Thái... Hay như mô hình chăn nuôi bò sinh sản thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia (đã triển khai hỗ trợ 301 hộ dân với mỗi hộ 2 con bò cái sinh sản/hộ), đến nay có khoảng 50% số bò hỗ trợ đã mang thai và có hộ bò đã bắt đầu sinh sản; mô hình chăn nuôi dê tại các xã: Cầu Bà, Khánh Phú, Khánh Trung...
Bưởi da xanh tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn. |
Nâng cao chuỗi giá trị sản xuất
Một trong những định hướng quan trọng của ngành nông nghiệp huyện Khánh Vĩnh là phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện được mục tiêu này, địa phương sẽ rà soát các mô hình phát triển nông nghiệp theo từng đối tượng, khả năng canh tác sẽ tập trung để hỗ trợ người dân thông qua các chính sách, chương trình phát triển sản xuất giai đoạn 2021-2025 như: Chương trình chuyển đổi cây trồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình hỗ trợ sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường cho biết thêm, trên cơ sở các mô hình đã mang lại hiệu quả và phù hợp với định hướng phát triển, huyện sẽ khuyến khích người dân tập trung chuyển đổi cây trồng và vật nuôi theo thế mạnh địa phương, như: Đối với các mô hình hình Trồng trọt: Tập trung phát triển 7 mô hình (trồng Bưởi da xanh, trồng Sầu riêng, trồng Mít, trồng Cam, trồng Điều, trồng Dứa và trồng chuối). Đối với chăn nuôi sẽ tập trung phát triển 4 mô hình (nuôi bò, nuôi heo, nuôi gia cầm và nuôi Dê).
Cùng với đó, huyện Khánh Vĩnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đặc biệt huyện sẽ tăng cường thúc đẩy liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu hàng nông sản thông qua các kênh thông tin truyền thông, triển lãm, các hội chợ nông sản… nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường.
THÀNH NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin