20:04, 12/06/2024

Chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

HẢI LĂNG (Thực hiện)

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.

Ông Trần Hòa Nam cho biết: Để góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU trong năm 2024; đồng thời duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, nâng cao vị thế của Việt Nam với quốc tế, mới đây, UBND tỉnh đã triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52 ngày 22-4-2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai Chỉ thị số 32 ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư về công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.

- Thưa ông, chống khai thác IUU có vai trò như thế nào trong phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh?

- Những năm qua, Khánh Hòa luôn xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự phát triển bền vững ngành thủy sản - một trong những thế mạnh phát triển kinh tế biển của tỉnh. Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý, ngăn chặn, chấm dứt việc tàu cá và ngư dân Khánh Hòa vi phạm IUU; chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản; đảm bảo hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của luật pháp quốc tế về thủy sản, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản vì lợi ích của chính người dân, vì lợi ích quốc gia, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Để thực hiện được nhiệm vụ này, hơn ai hết mỗi ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên biển phải tuân thủ nghiêm các quy định về chống khai thác IUU, tuyệt đối không vì cái lợi trước mắt mà vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trên cơ sở đó, xác định cụ thể thời hạn, tiến độ hoàn thành, cơ chế phối hợp, bố trí nguồn lực và giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan để triển khai hiệu quả công tác chống khai thác IUU trên địa bàn.

- Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chống khai thác IUU được tỉnh tập trung triển khai thời gian tới là gì, thưa ông?

- Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế về khai thác hải sản; công tác chống khai thác IUU, tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" đến các cấp, ngành, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển, các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu hải sản. Để quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá, trong tháng 6, tỉnh sẽ tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ tàu cá trên địa bàn tỉnh để xác định cụ thể lại về số lượng, đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, tình hình chuyển nhượng, tàu cá hoạt động ngoài tỉnh, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (thiết bị VMS)… Từ đó, hướng dẫn từng chủ tàu thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục quy định và cập nhật 100% vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Cùng với đó, triển khai theo dõi giám sát 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên xuất, nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ, có lắp đặt và duy trì hoạt động bình thường của thiết bị VMS; phối hợp chặt với các tỉnh bạn để quản lý, kiểm soát 100% tàu cá hoạt động ngoài tỉnh và tàu cá tỉnh khác hoạt động tại tỉnh để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung giám sát sản lượng thủy sản khai thác để đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bốc dỡ thủy sản khai thác tại các cảng cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu phải đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp (nhất là các lô hàng cá ngừ vây vàng mắt to, cá cờ kiếm), những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ sử dụng triệt để, đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc hải sản bằng điện tử để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp đối với công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác…

Địa phương sẽ thực hiện nghiêm công tác thực thi pháp luật và xử lý vi phạm, không có ngoại lệ đối với các hành vi vi phạm IUU; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Những trường hợp vi phạm về mất kết nối thiết bị VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, các hành vi thực hiện hoặc tiếp tay cho việc gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác; môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ cho các lô hàng xuất khẩu sẽ bị xử lý hình sự khi đủ căn cứ… Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm khác trong chống khai thác IUU, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản; đảm bảo các nguồn lực; ứng dụng khoa học công nghệ; cơ chế, chính sách để thực thi nhiệm vụ chống khai thác IUU.

- Xin cảm ơn ông!

HẢI LĂNG (Thực hiện)