15:35, 12/04/2024

Khánh Hòa - điểm sáng về tăng trưởng kinh tế 

ĐÌNH LÂM

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội chung của cả nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 của Khánh Hòa vẫn nằm trong top đầu của cả nước. Đây chính là điểm sáng, tạo đà cho sự phát triển của tỉnh trong các tháng tiếp theo của năm 2024.

Tăng trưởng đứng thứ 4 cả nước

Trong quý I năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc từng bước hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội của năm 2024. Các chỉ tiêu kinh tế đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 12,4%, đứng thứ 4 cả nước (sau các tỉnh: Bắc Giang tăng 14,18%; Trà Vinh tăng 13,93% và Thanh Hóa tăng 13,15%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 36,97%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 30.203,6 tỷ đồng, tăng 17%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 505,2 triệu USD, tăng 17,4%; doanh thu du lịch đạt 11.608,8 tỷ đồng, tăng 159,2% với 1,25 triệu lượt khách quốc tế, tăng 5,2 lần. Thu ngân sách nhà nước đạt 4.636,4 tỷ đồng, đạt 27,8% dự toán và tăng 12,9% cùng kỳ năm trước; trong đó thu nội địa là 3.944,2 tỷ đồng, đạt 27% dự toán và tăng 7,7% cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 14.878,7 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa.

Theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,  để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương quyết liệt triển khai và thực hiện đồng bộ các nghị quyết của Chính phủ, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỉ trọng gia công, lắp ráp. Tập trung tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn, để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Lĩnh vực điện góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Công tác quy hoạch tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện; theo đó, trong quý I/2024, Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 và Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 2/19 quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong đã được UBND tỉnh phê duyệt, các quy hoạch phân khu còn lại đang được tỉnh chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt. Các nhiệm vụ liên quan đến triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, nhất là tại Khu kinh tế Vân Phong được tăng cường chỉ đạo. Nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức như: Hội nghị công bố Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, Kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang, Hội nghị gặp gỡ Indonesia, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tiếp và làm việc với đoàn lãnh đạo tỉnh Hiroshima (Nhật Bản)… Bên cạnh đó, hoạt động liên kết vùng được chú trọng triển khai; đã thực hiện ký kết Biên bản hợp tác phát triển kinh tế - xã hội  giữa tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Phú Yên và tỉnh Ninh Thuận. Sắp tới, tỉnh tiếp tục chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Châu Âu và các đoàn công tác của tỉnh đi thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc… 

Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng

Để kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì được sự tăng trưởng ổn định, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ lập, bảo đảm hoàn thành phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu trong quý II năm 2024; phối hợp chặt chẽ với Trung ương đẩy nhanh tiến độ thẩm định Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể hóa Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Khánh Hòa. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng tại TP. Nha Trang. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo phải triển khai hiệu quả Chương trình cải cách hành chính; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng mạnh trong 3 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, năm 2024, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu duy trì đà tăng trưởng trên 10% và thực hiện tốt nhiều dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương phải xử lý khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh đầu tư công. Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án đô thị, nghỉ dưỡng... tạo việc làm, tăng thu ngân sách tại Khu Kinh tế Vân Phong. "Các chỉ số tăng trưởng 3 tháng đầu năm nay, Khánh Hòa vẫn giữ được mức tăng trưởng ở 2 con số. Trong 3 tháng tiếp theo, phải cố gắng để Khánh Hòa tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ở 2 con số. Các hoạt động tổ chức kích cầu, đổi mới, tăng thêm các sản phẩm du lịch, các hoạt động văn hóa sẽ phải thực hiện mạnh mẽ hơn. Vấn đề xúc tiến, quảng bá cần thực hiện liên tục, để hình ảnh Nha Trang - Khánh Hòa ngày càng thân thiện, gần gũi hơn", ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay.

ĐÌNH LÂM