22:53, 03/03/2024

Chuyện cây mía đường

 HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG

Rong ruổi qua những vùng trồng mía đường của tỉnh, chúng tôi chứng kiến hiện nay đã không còn chuyện cây mía đường chỉ dựa vào nước trời, không cần chăm sóc. Giờ đây, người trồng mía đang phân vân giữa việc đầu tư mạnh vào cây mía để nâng cao hiệu quả hoặc tiếp tục cảnh được chăng hay chớ như trước.
Nông dân Ninh Hòa thu hoạch mía
Nông dân Ninh Hòa thu hoạch mía.

Được giá nhưng mía năng suất thấp

Giữa cái nắng khá gay gắt, gạt giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm đen, ông Nguyễn Văn Quyết - người trồng mía ở thôn Suối Sâu (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) tâm sự: “Sau nhiều năm trồng mía thất thu, niên vụ mía 2023 - 2024, người trồng mía mới nếm được chút vị ngọt nhờ giá mía đã tăng trở lại. Niên vụ này, mía đang được mua với giá 1,1 triệu đồng/tấn 10 chữ đường (CCS), tăng nhẹ so với năm trước; đồng thời chữ đường năm nay nhỉnh hơn so với những năm trước khoảng 1,5CCS. Tuy nhiên, năng suất mía năm nay chưa đạt như mong đợi. Gia đình tôi trồng 2ha mía, sản lượng đạt khoảng 50 tấn/ha, giảm 15 tấn/ha so với niên vụ trước nên sau khi trừ tất cả chi phí chỉ có lãi khoảng 20 triệu đồng/ha”.

Tuy đạt về giá bán và chữ đường nhưng hiệu quả kinh tế của cây mía đường vẫn thấp.

Qua các vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh, như: Ninh Xuân, Ninh Sim, Ninh Tây, Ninh Thượng (Ninh Hòa); Khánh Nam, Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh); Diên Đồng, Diên Xuân (huyện Diên Khánh), trao đổi với nông dân trồng mía cho thấy, năm nay, giá mía, chữ đường tương đối tốt nhưng năng suất không đạt. Cụ thể như gia đình ông Nguyễn Bá Thuật ở thôn 1 (xã Ninh Thượng, Ninh Hòa) trồng hơn 2ha mía, năng suất chỉ đạt hơn 55 tấn/ha, giảm đến 15 tấn/ha so với niên vụ trước. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho phân bón, nhân công và thuốc bảo vệ thực vật đều tăng lên khoảng 20%. Niên vụ này, gia đình ông Thuật bán mía được 60 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí 40 triệu đồng, chỉ còn lãi được 20 triệu đồng, đó là chưa tính công sức gia đình bỏ ra. Tương tự, ông Huỳnh Văn Thông trồng 20ha mía ở khu vực Suối Mơ của xã Ninh Thượng chỉ đạt năng suất khoảng 55 tấn/ha, trong khi năm trước đạt hơn 70 tấn/ha.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, hiện nay là cao điểm vụ thu hoạch mía trên địa bàn thị xã, năng suất bình quân ước đạt 57 - 58 tấn/ha, giá mía thu mua bình quân 1.130.000 đồng/tấn/10CCS, tăng 40.000 đồng/tấn so với năm trước. Mỗi héc-ta mía bình quân nông dân thu nhập 20 - 22 triệu đồng. Theo ông Võ Văn Châu - Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, niên vụ này, nông dân trên địa bàn trồng được hơn 634ha mía. Với năng suất bình quân 55 tấn/ha, giá thu mua mía phổ biến 1.090.000 đồng/tấn 10CCS, mỗi héc-ta mía mang lại lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng cho người dân, tương đương với năm ngoái.

Diện tích dần thu hẹp

Ngồi nghỉ mệt dưới tán rừng keo của gia đình gần rẫy mía đang thu hoạch, ông Nguyễn Văn Quyết tâm sự, ông đã gắn bó với cây mía từ hơn 30 năm nay. Khoảng 7 năm trước, gia đình ông trồng mía trên toàn bộ diện tích 7ha đất sản xuất; 3 năm trở lại đây, với những diện tích xa suối, không có nước, ông đã chuyển sang trồng keo, chỉ còn giữ lại 2ha gần suối trồng mía. Ông Quyết cho rằng, thực tế trồng mía cũng có hiệu quả nhưng phải nâng cao được sản lượng. Chỉ khi chủ động được nguồn nước tưới thì người trồng mía mới có thể đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả cây mía. “Chừng nào chưa có nước tưới thì gia đình tôi vẫn chỉ trồng 2ha mía ở vùng rẫy gần suối, 5ha còn lại tiếp tục trồng keo hoặc mì”, ông Quyết nói.

Trong câu chuyện với những nông dân trồng mía, chúng tôi được họ chia sẻ rằng không thể phủ nhận những gì mà cây mía mang lại đối với nông dân, nhất là trong khoảng giai đoạn từ năm 2010 đến 2017, cây mía mang lại hiệu quả rất cao, ngay cả trên những vùng đất gặp khó khăn về nước tưới. Khi ấy, diện tích trồng mía toàn tỉnh lên đến hơn 20.000ha. Thế nhưng khoảng 7 năm trở lại đây, diện tích cây mía bắt đầu giảm dần, nhiều người dân đã chuyển sang trồng keo, mì. Số liệu từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, niên vụ mía 2023 - 2024, toàn tỉnh có 7.641ha mía, năng suất bình quân ước đạt 54 tấn/ha. Năng suất mía năm nay đạt thấp hơn so với năm trước do tình hình thời tiết không thuận lợi, trời nắng nóng, ít mưa, một số giống mía bị sâu đục thân...

Nông dân vùng mía Diên Xuân, Diên Khánh bốc mía lên xe
Nông dân vùng mía Diên Xuân, Diên Khánh bốc mía lên xe.

Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, tuy sản xuất mía đường không cao bằng các năm trước đây nhưng vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cây mía có đầu ra ổn định do được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người dân có kinh nghiệm trong sản xuất mía, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây mía… Những năm gần đây, diện tích mía giảm xuống do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giá đường giảm mạnh khi bước vào hội nhập quốc tế, cây mía không còn mang lại hiệu quả cao như trước, nhiều hộ trồng mía có xu hướng chuyển sang trồng loại cây khác. Bên cạnh đó, nhiều dự án đang triển khai trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông và thị xã đang trong quá trình triển khai phát triển kinh tế công nghiệp theo định hướng của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... đã ảnh hưởng đến diện tích trồng mía.

Cần đầu tư xứng đáng

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế cho cây mía đường, thị xã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, người dân cần phối hợp với các nhà máy đường xây dựng những mô hình cánh đồng mía lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ sản xuất đến thu hoạch để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Thị xã cũng phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác kiểm tra hoạt động mua bán và xác định chất lượng mía nguyên liệu tại các nhà máy sản xuất mía đường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía; đồng thời tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho việc sản xuất, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành hồ chứa nước Sông Chò 1, hồ chứa nước Chà Rang, tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống giao thông ở những vùng trồng mía để thuận lợi trong quá trình vận chuyển sản phẩm.

Cây mía đường đã từng là cây trồng thoát nghèo, làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân. Nhưng giờ đây, việc chỉ đạt năng suất khoảng 50 - 60 tấn/ha không thể mang lại hiệu quả như một số cây trồng khác. Do vậy, trồng mía giờ đây cần phải được đầu tư mạnh mẽ, nhất là áp dụng máy móc, khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống thủy lợi đảm bảo mía được đầu tư chăm sóc tốt mới có thể cho năng suất, chất lượng cao hơn. Thực tế chứng minh, ở những vùng mía chủ động về nước tưới, áp dụng triệt để máy móc vào các khâu và được đầu tư phân bón đầy đủ, năng suất đã đạt 90 - 100 tấn/ha. Có sự đầu tư như vậy, cây mía đường mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

 HỒNG ĐĂNG - HẢI LĂNG