“Người dân Nha Trang hiền hòa mến khách, biết chịu khó chắt chiu xây dựng thành phố 100 năm qua. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), Thành ủy Nha Trang sẽ tổ chức hội thảo về nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng và phát triển thành phố. Trên cơ sở đó, Thành ủy Nha Trang sẽ ban hành nghị quyết về phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng và phát triển thành phố” - ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang mở đầu trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.
Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nha Trang. |
* Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch
- Vì sao cần phải tổ chức hội thảo về nhận diện, phát huy các giá trị của tiền nhân để lại, thưa ông?
- Cuộc sống của người dân TP. Nha Trang vốn thanh bình bao đời nay. Trước đây chủ yếu dựa vào nghề khai thác hải sản, sản xuất nông nghiệp. Thời kỳ mở cửa giao thương, khách du lịch đến Nha Trang nhiều, người dân có thêm dịch vụ, kinh doanh du lịch… Cần phải tổng hợp, nghiên cứu đầy đủ các giá trị của con người Nha Trang diễn ra như thế nào, qua lăng kính nghiên cứu khoa học, xâu chuỗi những dòng chảy lịch sử lại với nhau. Lâu nay đã có các nghiên cứu về con người, nghề nghiệp của cư dân Nha Trang nhưng chỉ mang tính đơn lẻ, còn nghiên cứu ở tầm tổng quát thì chưa có. Do đó, cần nghiên cứu kỹ về thành tựu của lớp người đi trước, bao gồm công cụ, phương thức sản xuất để xem văn hóa, cốt cách người Nha Trang ra sao. Từ đó, nhận diện để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những mặt tiêu cực. Ví dụ, người Nha Trang rất thân thiện và thích giúp đỡ người khác, nhưng ngược lại có những đặc trưng tính cách làm hạn chế sự phát triển hoặc chưa phát huy tối đa để đạt được những giá trị to lớn trong sản xuất kinh tế. Vẫn còn một bộ phận có tư tưởng trông chờ, ỷ lại “cơm trước mặt, cá sau lưng” vì thiên nhiên quá ưu đãi nên không thật sự nỗ lực, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố.
- Du khách trên thế giới đang đổ về Nha Trang du lịch, cộng đồng dân cư đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển kinh tế du lịch?
- Trải qua hàng trăm năm, cộng đồng dân cư ở vùng đất này đã xây dựng bề dày lịch sử, văn hóa, cốt cách dân miền biển. Qua đó, tiền nhân đã để lại cho chúng ta các công trình di sản kiến trúc và lễ hội, như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, nhà thờ Chánh tòa, lễ hội cầu ngư, hò bá trạo… Đây chính là lý do nhiều du khách trên thế giới đổ về đây và thích thú với các địa điểm du lịch. Theo như tôi quan sát, những khách du lịch tàu biển cập cảng Nha Trang thường thích đi tour đồng quê để trải nghiệm những điều thú vị được lưu giữ trong các đình làng, nhà cổ, làng nghề và hoạt động đời sống của người dân ở ngoại thành Nha Trang. Cùng với đó, phong cảnh biển, đảo nên thơ giúp vịnh Nha Trang được xếp vào danh sách những vịnh đẹp nhất thế giới. Do đó, Nha Trang chú ý đến phát triển du lịch cộng đồng bởi nó là nền tảng của ngành du lịch và tập trung giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo, đồng quê… phục vụ cho hoạt động du lịch.
* Xây dựng thành phố sự kiện
- Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị xác định đến năm 2030, Khánh Hòa là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Là hạt nhân du lịch của tỉnh Khánh Hòa, theo ông, Nha Trang cần phải làm như thế nào để đạt mục tiêu của nghị quyết đề ra?
- Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế.
Khánh Hòa phải hướng tới mục tiêu là nơi được du khách quốc tế chọn làm điểm đến hàng đầu. Là nơi tổ chức được nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, Nha Trang hội tụ đủ điều kiện trở thành thành phố sự kiện. TP. Nha Trang từng được chọn là nơi tổ chức Hội nghị quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC lần thứ nhất (SOM1) và các cuộc họp liên quan vào năm 2017; Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) vào năm 2020… Xét về điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất, Nha Trang đã đáp ứng được nhu cầu của một trung tâm du lịch trọng điểm trong khu vực và thế giới. TP. Nha Trang đang lên kế hoạch khôi phục lại một số làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Khi đó làng nghề mới có sức sống, người dân mới có thu nhập tốt. Chúng tôi đang làm đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên). Đây là một làng chài nằm ở mặt ngoài đảo Hòn Tre, lấy văn hóa miền biển là linh hồn để phát triển du lịch. Nếu làm tốt sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn vì cảnh quan, văn hóa, ẩm thực, nghề lưới đăng… ở đây còn giữ được nguyên vẹn.
- TP. Nha Trang đang đặt mục tiêu chuyển đổi kinh tế xanh, cụ thể bao gồm những vấn đề nào, thưa ông?
- Là thành phố du lịch biển nên bao năm nay, người dân, chính quyền, doanh nghiệp đã rất nỗ lực bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thu hút du khách. TP. Nha Trang đang có chương trình dọn dẹp, cải tạo vệ sinh môi trường ở những khu dân cư ven sông, ven biển. Đây là những nơi khách quốc tế rất thích đi len lỏi vào những con đường nhỏ để cảm nhận được đời sống thực tế của cộng đồng dân cư. Vấn đề đặt ra là làm sao biến những khu vực dân cư thành sản phẩm du lịch mới của Nha Trang. Và điều quan trọng nhất là cộng đồng có ý thức tham gia bảo vệ môi trường hệ sinh thái dưới đáy biển, thảm thực vật trên đảo, không xả thải ở vùng ven bờ, cửa sông…; coi đây là “vốn liếng” của du lịch giúp người dân có thu nhập lâu dài, bền vững.
Khách du lịch tàu biển tham quan Làng nghề Trường Sơn. |
Chuyển đổi kinh tế xanh đối với một thành phố đón hàng triệu du khách mỗi năm không phải là chuyện đơn giản, làm trong một sớm, một chiều. Chẳng hạn, rác thải nhựa là vấn đề toàn cầu và Nha Trang cũng đang tìm mọi cách để giảm thiểu. Từ năm ngoái, thành phố đã áp dụng quy định cấm người dân, khách du lịch mang chai nước nhựa nhỏ dưới 1 lít ra các đảo trong vịnh Nha Trang; yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, chủ tàu vận tải đưa khách du lịch ra đảo phải tích cực giải thích, vận động và yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm túc. Việc nghiêm cấm sử dụng chai nhựa dùng một lần cần được duy trì lâu dài để chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo.
- Xin cảm ơn ông!
HẢI LUẬN (Thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin