Dự kiến vào tháng 4 tới, Đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ lần thứ 5 đến Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến cảnh báo “thẻ vàng” do khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đứng trước thời điểm quyết định này, tỉnh đang tiếp tục mở đợt cao điểm, triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm các vi phạm IUU.
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Những năm qua, do công tác chống khai thác IUU được tỉnh chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, liên tục nên ngư dân đã nhận thức việc khai thác IUU là hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản. Các chủ tàu, thuyền trưởng tuân thủ việc khai báo khi tàu rời cảng và cập cảng lên cá, mang đầy đủ các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… Trong khi đó, việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; sản lượng lên bến được chú trọng, đảm bảo được truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, làm căn cứ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc thủy sản. Công tác xử phạt các hành vi vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường; trong năm 2023 đã xử phạt 89 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền hơn 950 triệu đồng, tước chứng chỉ thuyền trưởng của các trường hợp vi phạm này.
Ngư dân cập cảng Hòn Rớ lên cá. |
Theo ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo IUU tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU liên quan đến việc rà soát hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác liên quan đến 3 doanh nghiệp là: Công ty TNHH T&H, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Cát Tiên và việc xử lý tàu cá HAVUCO 02 (KH 99988 TS) của Công ty TNHH Hải Vương nhập khẩu (nghi ngờ vi phạm IUU) theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 3.
Đối với Công ty TNHH T&H, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, xác minh cụ thể hành vi vi phạm của doanh nghiệp; UBND tỉnh đã có quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, với số tiền lợi bất hợp pháp doanh nghiệp này nộp lại hơn 256 triệu đồng; đến nay, doanh nghiệp này không còn hoạt động chế biến xuất khẩu thủy sản đi các thị trường trên thế giới. Đối với sản lượng cá cờ kiếm bất thường tại Công ty TNHH Thịnh Hưng và Công ty TNHH Cát Tiên, qua xác minh của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH Cát Tiên mua lô nguyên liệu 5,42 tấn cá cờ kiếm từ chủ nậu vựa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bán lại cho Công ty TNHH Thịnh Hưng 5,2 tấn, doanh nghiệp chế biến gần 5,1 tấn thành phẩm xuất khẩu đi thị trường châu Âu. Việc xác nhận trên Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác đối với lô cá cờ kiếm này do Cảng cá Xí nghiệp Cơ khí Tàu thuyền (trực thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ Hậu cần thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện chưa đúng thực tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa cảng cá này ra khỏi danh sách cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Đối với việc xử lý tàu HAVUCO 02, tại cuộc họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giao Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp đến Khánh Hòa kiểm tra, xác minh và có kết luận cụ thể tàu cá này có vi phạm IUU hay không, từ đó có hướng xử lý tiếp theo.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU và chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn thanh tra của EC lần thứ 5 về kế hoạch chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh năm 2024. Từ nay đến tháng 4, cơ quan chức năng sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm IUU trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ trì, phối hợp để thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn pháp luật cho cộng đồng ngư dân, các tổ chức, cá nhân về chống khai thác IUU; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá cước phí duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý đội tàu; theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động tàu cá; tổng hợp số liệu, lập danh sách tàu cá không tham gia khai thác thủy sản, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý; thực hiện tốt công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Riêng đối với công tác thực thi pháp luật, xử lý các vi phạm, UBND tỉnh yêu cầu, đến trước ngày 30-4 phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát với yêu cầu 100% trường hợp vi phạm IUU bị xử phạt nghiêm theo quy định, không áp dụng hình thức cảnh cáo, ký cam kết không vi phạm…
Ông Phan Ngọc Tấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Công khai, minh bạch trong chống khai thác IUU là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Hiện nay, các đơn vị, địa phương ven biển trong tỉnh tập trung triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (hệ thống CDT VN) để góp phần chống khai thác IUU có hiệu quả. Theo đó, toàn bộ việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động chống khai thác IUU thực hiện trên hệ thống CDT VN. Cụ thể như, khi ứng dụng hệ thống này, chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện các thủ tục xuất, nhập bến trên hệ thống truy xuất điện tử này; các đồn, trạm biên phòng cũng sẽ thực hiện kiểm tra, xét duyệt xuất bến, cập bến trên hệ thống CDT VN; việc kiểm tra, xác nhận sản lượng cập cảng, cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng và giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cũng sẽ được các doanh nghiệp, cơ quan chức năng thực hiện trên hệ thống CDT VN…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin