Đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (phần mềm eCDT) để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định về công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, mới đây, Cục Thủy sản đã đẩy mạnh triển khai phần mềm này đến các địa phương, trong đó có Khánh Hòa.
Triển khai rộng rãi
Để truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác bằng điện tử, năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) làm chủ đầu tư xây dựng phần mềm eCDT giai đoạn I; trong giai đoạn 2019 - 2020, phần mềm này tiếp tục được hoàn thiện, triển khai thí điểm nhằm đáp ứng các tiêu chí cũng như phù hợp với đặc thù nghề cá của Việt Nam. Đây là phần mềm lần đầu tiên được xây dựng trên cơ sở cách tiếp cận mới về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy sản để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch nguồn gốc thủy sản mà các thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam đang đặt ra.
Ngư dân làm thủ tục trước khi xuất bến tại Văn phòng Đại diện Thanh tra kiểm soát nghề cá cảng Hòn Rớ. |
Phần mềm eCDT là phần mềm dùng chung, được cài đặt và sử dụng bằng điện thoại thông minh, áp dụng cho 7 đối tượng: Cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá, Bộ đội Biên phòng, công ty chế biến xuất khẩu, các vựa cá và ngư dân. Phần mềm này cung cấp đầy đủ quy trình và chức năng khai báo theo quy định. Các chức năng được thiết kế đơn giản và dễ hiểu, với các bước triển khai, như: Quản lý tàu cá xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Phần mềm này còn hỗ trợ ghi nhật ký khai thác và nhật ký chuyển tải sản phẩm khai thác trong môi trường không có mạng Internet; đồng thời tự động đồng bộ khi tàu cập cảng và kết nối Internet.
Ông Nguyễn Tiến Thắng - Phó Trưởng phòng Khai thác Thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết: “Việc hoàn thiện, đưa vào sử dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện ngày 4-11 về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Qua quá trình thí điểm phần mềm eCDT tại một số tỉnh, Cục Thủy sản đã phân tích, đánh giá để hoàn thiện quy trình, kỹ thuật nhằm áp dụng hiệu quả vào thực tế. Để triển khai rộng rãi phần mềm này, mới đây, tại TP. Nha Trang, chúng tôi đã tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm eCDT cho các đơn vị như: Chi cục Thủy sản, ban quản lý cảng cá, doanh nghiệp, ngư dân tại tỉnh Khánh Hòa và 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định".
Tiện ích và minh bạch
Ông Nguyễn Đức Thắng - chủ 2 tàu cá ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) cho biết: "Ghi nhật ký khai thác thủy sản là quy định bắt buộc nên ngư dân luôn chấp hành. Tuy nhiên, việc ghi nhật ký giấy bộc lộ một số hạn chế như: Chưa ghi đầy đủ các nội dung quy định do trên biển, các tàu cá phải tận dụng thời gian để đánh bắt nên chỉ ghi vắn tắt các nội dung; việc bảo quản nhật ký bằng giấy dễ bị hỏng, mất mát… Tôi tìm hiểu một số tàu của tỉnh Bình Định khi áp dụng nhật ký khai thác điện tử, các thuyền viên sẽ nhập số liệu chính xác, về bờ kết nối với hệ thống của các cơ quan chức năng nên các thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo chính xác”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Ba - Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ (Nha Trang), việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử sẽ tạo điều kiện cho tàu cá xuất, nhập cảng nhanh chóng, xác nhận sản lượng và chứng nhận sản lượng cho doanh nghiệp cũng dễ dàng. Đối với ban quản lý cảng cá, việc áp dụng phần mềm này sẽ giúp rút ngắn thời gian xác nhận, chứng nhận, đáp ứng được nhu cầu cập cảng lên cá của các tàu cá. Bởi lẽ, các tàu thường cập cảng tập trung cùng thời điểm, vài chục tàu mỗi ngày, nếu làm thủ công sẽ rất vất vả, dễ nhầm lẫn.
Đại diện một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tại Khu Công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm) cho rằng: Phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử khi triển khai áp dụng rộng rãi sẽ giúp doanh nghiệp giảm nhiều thời gian để xác nhận chứng nhận, minh bạch, truy vết được nguồn gốc nguyên liệu một cách dễ dàng và lưu trữ trên hệ thống máy tính. Khi có yêu cầu của đối tác nhập khẩu, các đoàn thanh tra, kiểm tra nguồn gốc thủy sản chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ cung cấp dễ dàng, không mất nhiều thời gian như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp sẵn sàng áp dụng bởi sẽ có nhiều thuận lợi về hồ sơ, giấy tờ và minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin