20:18, 30/11/2023

Cam kết lộ trình giải ngân vốn đầu tư công

Đ. LÂM

Tối 29-11, các ông: Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương để đốc thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Qua đó, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết với UBND tỉnh tỷ lệ giải ngân cụ thể của từng dự án khi kết thúc năm.

Quang cảnh cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.

3 nhóm dự án gặp vướng mắc khiến giải ngân chậm

Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, diễn ra ngày 27-11, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước đến hết tháng 11 đạt gần 461 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước đạt 65,1%. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mỗi đơn vị, địa phương phát huy tinh thần vượt khó, lấy khó khăn, thách thức là động lực để phấn đấu vươn lên, quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao năm 2023.

Ngay sau hội nghị, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát, chỉ ra nguyên nhân gây chậm trễ cũng như giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh với tinh thần quyết liệt, vướng ở đâu thì tháo gỡ ở đó. Tại cuộc họp tối 29-11, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tính đến ngày 28-11, ước toàn tỉnh giải ngân được 55,3% kế hoạch vốn do Chính phủ giao; đạt 68% kế hoạch vốn thực tế do tỉnh giao (chưa tính nguồn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA cấp phát và vay lại). Qua rà soát, có 3 nhóm dự án gặp vướng mắc khiến cho tỷ lệ giải ngân chậm. Nhóm thứ nhất có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA có nhiều vướng mắc rất khó giải quyết vì liên quan đến các yêu cầu của bên cho vay. Nhóm thứ 2 có 14 dự án chậm do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng với số vốn rất lớn (hơn 944 tỷ đồng). Nhóm thứ ba có 10 dự án bị vướng về quy định trong thủ tục đầu tư và chậm triển khai dự án, với tổng vốn gần 713 tỷ đồng.  

Công trình Nhà máy Xử lý nước thải phía bắc (TP. Nha Trang).
Công trình Nhà máy Xử lý nước thải phía bắc (TP. Nha Trang).

Sở Kế hoạch và Đầu tư dự báo, kết thúc năm tài chính đối với đầu tư công (ngày 31-1-2024), khả năng toàn tỉnh chỉ giải ngân được 73,3% theo nguồn vốn Chính phủ giao. Trong trường hợp từ nay đến cuối năm, các đơn vị của tỉnh xử lý dứt điểm tất cả vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng và nỗ lực phấn đấu giải ngân ở mức cao nhất sẽ đạt được 81,5% theo nguồn vốn Chính phủ giao; nếu loại trừ nguồn trái phiếu chính quyền địa phương thì tỷ lệ giải ngân sẽ đạt 95,1%.

Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, khả năng giải ngân vốn đầu tư công đạt được 95,1% vẫn có thể thực hiện được nhưng ở mức thấp và khó khăn cũng rất nhiều. Bởi vì, muốn đạt được tỷ lệ này đòi hỏi từng chủ đầu tư phải nỗ lực, cố gắng hết sức để hoàn thành dự án đúng hạn.

Cam kết các mốc hoàn thành cụ thể

Tại cuộc họp, các đơn vị đã phân tích chi tiết những khó khăn, đồng thời ước tính được tỷ lệ giải ngân cụ thể đối với từng dự án khi kết thúc năm. Lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương phải báo cáo và chốt tỷ lệ giải ngân cụ thể đối với từng dự án. Tất cả các cam kết đều được Văn phòng UBND tỉnh ghi chi tiết vào biên bản cuộc họp để làm cơ sở xem xét trách nhiệm khi kết thúc năm mà các đơn vị không hoàn thành. Bên cạnh đó, các đồng chí chủ trì cuộc họp cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị khi có các vướng mắc chưa được giải quyết triệt để. 

Ông Trần Hòa Nam đánh giá: “Thời gian kết thúc năm đầu tư công đã cận kề nhưng rõ ràng so với tháng trước, tỷ lệ giải ngân trong tháng 11 chỉ tăng thêm không đáng kể. Trong khi đó, mục tiêu của tỉnh là tỷ lệ giải ngân đạt từ 95 đến 100% kế hoạch vốn. Nếu chỉ đặt mục tiêu chung như vậy thì đến cuối năm sẽ rất khó hoàn thành. Trước mắt, để có cơ sở thực hiện, các đơn vị phải báo cáo cụ thể đối với từng dự án đến ngày 31-1-2024 sẽ giải ngân đạt bao nhiêu phần trăm. Nếu không đạt như kế hoạch, cần nêu nguyên nhân cụ thể để có hướng tháo gỡ vướng mắc. Phải thực hiện như vậy với tất cả dự án, đặc biệt là những dự án có số vốn lớn thì mới có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công”.

Phát biểu kết luận, ông Lê Hữu Hoàng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục thanh, quyết toán, nghiệm thu khối lượng công trình; làm báo cáo về thực hiện giải ngân, các vướng mắc và cam kết mốc hoàn thành cụ thể tương ứng với các mốc thời gian là ngày 30-11 và 31-12-2023, 31-1-2024. Các sở, ngành và địa phương nhanh chóng giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng và các vấn đề tồn đọng; quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, ông cũng giao cho các sở, ngành liên quan gấp rút hoàn thiện hồ sơ đối với những dự án đã được đưa vào danh mục đầu tư công; các đơn vị nhanh chóng lập bảng tiến độ, rà soát từng dự án; dự án nào không khả thi phải sớm báo cáo UBND tỉnh… Để chuẩn bị cho hội nghị chuyên đề của Tỉnh ủy về giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Hữu Hoàng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 5-12; Sở Tài chính tham mưu về vấn đề phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

Đ. LÂM