Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk vừa ký kết Chương trình hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sản phẩm nông sản thế mạnh của 2 bên sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp của mỗi tỉnh.
Gắn kết thủy sản và trái cây
Còn nhớ thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Khánh Hòa phải áp dụng biện pháp giãn cách, cách ly xã hội. Đó cũng là những ngày khó khăn của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nông sản làm ra không tiêu thụ được do đứt gãy hệ thống phân phối. Lúc này, Nhà nước và các mạnh thường quân đã thu mua nông sản, rồi tiếp tế cho người dân trong các khu cách ly. Đó cũng là lúc giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk đã có những chuyến xe nông sản xuôi ngược bổ sung cho nhau. Những con cá bớp, cá chim, ốc hương… của Khánh Hòa được mang lên phục vụ người dân Đắk Lắk. Ngược lại, từng chuyến xe rau củ, trái cây từ tỉnh bạn xuôi về Khánh Hòa như một sự bổ sung hoàn hảo trong quá trình giải quyết đầu ra cho nông, thủy sản của 2 tỉnh.
Sản phẩm rong nho của Khánh Hòa giới thiệu tại Hội nghị Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: THIỆN TÂM |
Nhắc lại để thấy, các sản vật như: Cà phê, tiêu, rau xanh, củ quả, một số trái cây như mít, bơ, sầu riêng… ở Đắk Lắk có diện tích và sản lượng lớn nhưng lại là những thứ ở Khánh Hòa chưa phát triển mạnh. Ngược lại, diện tích, sản lượng các loại tôm cá, rong nho, ốc hương, yến sào, chăn nuôi theo chuỗi… ở Khánh Hòa là thế mạnh, nhưng lại chưa phát triển ở Đắk Lắk. Chương trình hợp tác nông nghiệp chính là sự dung hòa thế mạnh của mỗi bên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp của mỗi tỉnh.
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo chương trình hợp tác nông nghiệp giữa 2 tỉnh, ngoài mục tiêu bổ sung các sản phẩm nông nghiệp có tính đặc trưng, thế mạnh của mỗi địa phương, 2 bên còn hỗ trợ nhau về kiến thức, kỹ thuật, mô hình canh tác để làm ra nông sản đó. Ở tỉnh bạn có lợi thế về một số mô hình cây công nghiệp, cây ăn quả. Ngược lại, nuôi trồng thủy sản, chế biến yến sào hoặc chăn nuôi theo chuỗi giá trị, công nghệ cao lại là lợi thế của Khánh Hòa. Chương trình hợp tác vì thế nhằm phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tập trung vào chiều sâu
Chương trình hợp tác này là hoạt động nhằm cụ thể hóa bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Theo đó, Khánh Hòa sẽ phối hợp, hỗ trợ tỉnh bạn về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ chim yến, chuyển giao kỹ thuật, quy trình vận hành nhà yến và khai thác tổ yến có hiệu quả, xây dựng mô hình xưởng chế biến tổ yến đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thương hiệu yến sào của tỉnh Đắk Lắk và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Đắk Lắk; hoặc hỗ trợ triển khai các mô hình chăn nuôi theo chuỗi, gắn với tiêu thụ sản phẩm đã triển khai có hiệu quả tại Khánh Hòa. Ngược lại, phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái, cộng đồng là thế mạnh của Đắk Lắk mà Khánh Hòa cần tìm hiểu, học hỏi.
Giữa 2 bên còn chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, xây dựng phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật nội địa; quản lý khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển, ao đìa, sông, hồ. Đồng thời, chia sẻ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mô hình sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch nông sản và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Trong nội dung chăm lo đầu ra cho nông sản, Khánh Hòa và Đắk Lắk lập kênh trao đổi thông tin thị trường, giá cả nông lâm thủy sản một cách kịp thời, liên tục; phát triển hệ thống kênh tiêu thụ nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các kênh phân phối. Đặc biệt là việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiêu biểu của địa phương thông qua các sự kiện như: Hội chợ, hội thi, triển lãm, lễ hội, trưng bày giới thiệu sản phẩm, hội nghị, hội thảo hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, các đoàn tham quan, xúc tiến tiêu thụ nông sản, thực phẩm... trên địa bàn 2 tỉnh. Mới đây, đã có 6 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Đắk Lắk đã mang xuống phố biển hàng chục mặt hàng đặc trưng như: Cà phê, mắc ca, ca cao, mít sấy, dâu tây sấy, gạo lứt, trà dược liệu… để tham gia Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản vùng Nam Trung Bộ được tổ chức trong dịp Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2023.
Hồng Đăng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin