Vừa qua, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông từ ngày 1-5 đến 16-8. Đây là hành động đơn phương, phi lý của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích khác trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Với cộng đồng ngư dân cả nước nói chung, ngư dân Khánh Hòa nói riêng, lệnh cấm này không có giá trị. Đến nay, các hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trong tỉnh diễn ra bình thường.
Tàu cá Khánh Hòa cập cảng tiếp thêm đá lạnh trước lúc ra khơi. |
Lệnh cấm vô giá trị
Sáng 9-5, cảng Hòn Rớ tấp nập người ra - vào để chuẩn bị cho chuyến ra khơi khai thác hải sản. Trên bến, dưới thuyền chộn rộn về chuyện năm nào Trung Quốc cũng đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, có cả những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Đang đưa nhu yếu phẩm lên tàu để kịp xuất bến ra ngư trường Trường Sa, ngư dân Nguyễn Minh - chủ tàu cá KH 92837 TS ở phường Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) bức xúc: “Hà cớ gì Trung Quốc lại cấm ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trên vùng biển của Việt Nam? Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ. Chúng tôi chả e ngại gì lệnh cấm phi lý này và vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển bình thường”.
Ngư dân Phan Văn Tấn làm thủ tục để tàu câu cá ngừ đại dương KH 91111 TS xuất bến sáng 9-5. |
Có mặt tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cảng Hòn Rớ, chúng tôi ghi nhận rất đông chủ tàu, thuyền trưởng đến làm các thủ tục để xuất bến. Theo thống kê của Ban Quản lý cảng Hòn Rớ, chỉ trong 3 ngày qua, đã có 242 tàu cá xuất bến từ cảng Hòn Rớ đi khai thác trên các ngư trường của Việt Nam. Một số tàu cá khác tiếp tục sắm chuyến, chuẩn bị nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tiếp tục ra khơi khai thác hải sản, bởi thời điểm này đang là chính vụ khai thác cá ngừ của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Dự kiến trong chuyến biển tháng 5, số lượng tàu cá xuất bến từ cảng Hòn Rớ đạt cao nhất trong các chuyến biển từ đầu năm đến nay, với hơn 500 tàu (các tháng trước chỉ có 380 - 450 tàu đi khai thác).
Ngư dân Phan Văn Tấn - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương KH 91111 TS ở phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang) cho biết: “Chuyện Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt có thời hạn trên Biển Đông là chuyện cũ rích, xảy ra từ năm 1999 đến nay. Ngư dân chúng tôi đã quá quen với lệnh cấm không có giá trị này rồi. Họ càng yêu sách thì mình càng phải bám biển, giữ vững ngư trường. Mỗi con tàu, mỗi ngư dân Khánh Hòa hiện diện trên các ngư trường truyền thống mà cha ông để lại chính là những “cột mốc” góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Ngư dân bám biển bình thường
Với hành động đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thông báo cho ngư dân trên địa bàn tỉnh biết. Việc Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị. Các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều hoạt động động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam, không vi phạm vùng biển nước ngoài… UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành, địa phương có liên quan tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển, quản lý chặt chẽ việc xuất bến, cập bến của các tàu cá; có giải pháp cảnh báo kịp thời cho tàu cá khi cần thiết, hướng dẫn, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi gặp các tình huống trên biển; thu thập hình ảnh, chứng cứ về các hành vi vi phạm của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam để phục vụ công tác đấu tranh ngoại giao; tiếp tục thực hiện hiệu quả chống khai thác IUU…
Ngư dân chuẩn bị nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới. |
Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có 678 tàu thuyền đánh bắt xa bờ chuyên hoạt động tại các ngư trường: Hoàng Sa, Trường Sa và DK1. Ngoài ra, hàng nghìn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân các tỉnh lân cận, như: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận... cũng đánh bắt cá tại các ngư trường này. Chi cục đã tìm hiểu, vận động ngư dân tiếp tục bám biển trên các vùng biển của Việt Nam. Qua nắm bắt tình hình những ngày qua, đối với lệnh cấm của Trung Quốc, ngư dân Khánh Hòa vẫn ra khơi khai thác hải sản bình thường. Chi cục đã hướng dẫn ngư dân khi khai thác trên biển thì tổ chức đi thành đoàn, đội để hỗ trợ nhau; kịp thời báo cho cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam. Một số ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển của Việt Nam để kịp thời hỗ trợ ngư dân khi khai thác trên biển.
Trong công văn gửi các cơ quan Trung ương ngày 21-4 về việc phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá trên Biển Đông năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN CHU HỒI - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định: Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn lệnh cấm đánh bắt cá phi lý nói trên, nhằm bảo vệ tài nguyên biển, nguồn lợi thủy sản đặc trưng cho từng khu vực biển, bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin