10:09, 13/09/2022

Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông: Gia tăng giá trị hạt gạo

Lấy ý tưởng từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) đã tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt gạo do mình làm ra. Việc sản xuất theo hướng hàng hóa đang mở ra nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập từ sản xuất lúa gạo.

Lấy ý tưởng từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) đã tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ hạt gạo do mình làm ra. Việc sản xuất theo hướng hàng hóa đang mở ra nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập từ sản xuất lúa gạo.


Nhiều sản phẩm chất lượng


Cầm chai rượu nếp quạ được đóng gói đẹp mắt, nhãn mác đầy đủ, ông Nguyễn Điệt - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ninh Đông hồ hởi khoe với chúng tôi sản phẩm mới của HTX. Để làm ra chai rượu này, Ban lãnh đạo và các thành viên trong HTX đã mày mò, thử nghiệm thời gian dài mới tìm ra được công thức cho những mẻ rượu thơm ngon, an toàn nhất. Cứ 10kg nếp quạ ủ với 20 lít rượu trắng sẽ cho 22-25 lít rượu nếp quạ. Khi đã thẩm được vị rượu có mùi thơm của nếp, nồng của men, HTX lại trăn trở tìm các phương cách để quá trình đóng chai được thuận tiện, bao bì thật bắt mắt, phù hợp và tốn ít chi phí nhất. Đó cũng là cả một quá trình nỗ lực của các thành viên HTX. “Đơn cử như việc tìm mua, đặt làm máy đóng niêm phong nút chai khắp nơi mà chưa được. Các máy công nghiệp thì quy mô lớn quá, trong khi các máy nhỏ, theo kiểu nửa công nghiệp, nửa thủ công lại không có nơi nào làm. Thành ra việc đóng niêm phong chai rượu đang phải nghiên cứu thêm” - ông Điệt cho biết.

 

Ông Nguyễn Điệt bên những sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông.

Ông Nguyễn Điệt bên những sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Đông.


Để làm ra những chai rượu nếp quạ thơm ngon, trước đó phải kể đến những hạt nếp quạ do chính HTX Nông nghiệp Ninh Đông làm ra đạt tiêu chuẩn VietGAP đã ít nhiều chinh phục được thị trường. Nếp quạ là loại gạo được sản xuất lâu đời ở vùng lúa Ninh Hòa, trong đó có xã Ninh Đông. Loại nếp đen bóng này có độ thơm và dẻo vượt trội so với nếp thông thường. Không chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Nông nghiệp Ninh Đông còn đóng gói, hút chân không mỗi gói nếp quạ với quy cách 1kg, 2kg, có nhãn mác với đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định. Đến nay, HTX đang sản xuất trên diện tích 2ha nếp quạ. Sản lượng hàng năm khoảng 11 tấn, được người tiêu dùng từng bước chấp nhận.


Năm 2016, khi vào tỉnh Bến Tre để tìm hiểu mô hình sản xuất lúa gạo nơi đây, Ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp Ninh Đông đã tiếp cận giống lúa thảo dược có dược tính và hàm lượng dinh dưỡng cao, đưa về gieo trồng ở Ninh Đông. Kết quả, lúa phát triển tốt, cho năng suất khoảng 65 tạ/ha và hạt gạo đạt chất lượng như mong muốn. Hiện nay, hơn 1,5ha lúa thảo dược đạt chuẩn VietGAP đang được sản xuất, là thực phẩm quen thuộc dành cho người ăn chay, ăn kiêng….


Thành quả của sự thay đổi cách nghĩ


Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, 2 sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Ninh Đông đã được khuyến khích tham gia chương trình. Sau quá trình hoàn thiện sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí, năm 2020, nếp quạ và gạo thảo dược của HTX Nông nghiệp Ninh Đông đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.


Năm 2022, sản phẩm rượu nếp quạ Ninh Đông là một trong những sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Ông Điệt chia sẻ: “Chúng tôi nhận được sự động viên, khuyến khích và hướng dẫn từ chính quyền địa phương, ban điều phối chương trình OCOP các cấp trong cả quá trình từ ý tưởng, câu chuyện sản phẩm, các bước quảng bá, xúc tiến thương mại sau này…”.


Theo ông Huỳnh Quang Thành, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, thành viên Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP tỉnh cho biết, những sản phẩm OCOP do HTX Nông nghiệp Ninh Đông làm ra là thành quả của sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân trước yêu cầu, đòi hỏi của nông nghiệp hàng hóa. Điều đáng mừng là trong quá trình triển khai chương trình OCOP, HTX đã nhanh chóng tiếp cận và triển khai có hiệu quả việc nâng cấp sản phẩm của mình, đồng thời trăn trở tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làm ra bằng nhiều phương cách.


Theo ông Nguyễn Điệt, thời gian đến, HTX sẽ tập trung chế biến sâu hơn nữa và đa dạng các sản phẩm từ hạt gạo của mình. Chẳng hạn như chưng cất rượu trắng, làm sữa chua nếp cẩm…, nâng cấp các sản phẩm OCOP đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, HTX còn thiếu vốn đầu tư để mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, thu mua nguyên liệu; kiến thức, thiết bị phục vụ cho việc tiếp cận thị trường thương mại điện tử…


Được biết, đây cũng là những khó khăn chung của các chủ thể OCOP hiện nay và đang được cơ quan tham mưu đưa vào giải quyết trong quá trình xây dựng chính sách đặc thù của Chương trình OCOP Khánh Hòa.


Hồng Đăng