Để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND huyện Khánh Vĩnh đang triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, UBND huyện Khánh Vĩnh đang triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Hỗ trợ để lên sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp của huyện gặp tình trạng “được mùa, mất giá” do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường cung - cầu kết nối chưa hiệu quả khiến sức mua giảm. Bên cạnh đó, các thương lái thường ép giá để mua với giá thấp, khiến thu nhập của hộ sản xuất bị giảm sút, đặc biệt là đối với sản phẩm cây trồng chủ lực của huyện - bưởi da xanh. Các sản phẩm OCOP của huyện đa phần là sản phẩm chủ lực của các địa phương, chủ yếu là thực phẩm tươi, chưa qua chế biến. Các sản phẩm này do các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp; chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm... Chính vì thế, việc tiếp cận với các nguồn tiêu thụ ổn định với giá thành hợp lý chưa nhiều.
Từ nhu cầu thực tế của người dân, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Mục tiêu nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện, kế hoạch được triển khai với 3 nhiệm vụ chính. Đầu tiên là hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT. Ở bước này, huyện tập trung xây dựng gian hàng số cho hộ sản xuất nông nghiệp tại các xã, thị trấn nhằm thúc đẩy những hình thức giao dịch hiện đại, chuyển đổi phương thức giao dịch truyền thống. Theo đó, huyện lựa chọn các hộ sản xuất nông nghiệp có sản phẩm đủ điều kiện, đạt các chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, chứng nhận OCOP và các sản phẩm có mong muốn chuyển đổi lên sàn TMĐT để tập trung hỗ trợ, xây dựng điển hình nhằm lan tỏa hoạt động mua, bán và tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT. Mặt khác, hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số. Tiếp đến, địa phương thực hiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thông qua sàn TMĐT và các kênh phân phối của doanh nghiệp bưu chính sở hữu sàn TMĐT (VNPost, ViettelPost); hướng đến mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu cụ thể của từng hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp cung cấp tới người tiêu dùng thông qua sàn TMĐT...
Địa phương cũng sẽ hỗ trợ đầu vào cho các hộ sản xuất tham gia mua bán trên sàn TMĐT về cung cấp thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón; cung cấp các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào có thương hiệu, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu của hộ sản xuất nông nghiệp để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, có chính sách ưu đãi cho hộ sản xuất nông nghiệp khi mua sắm các sản phẩm, nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh trên sàn TMĐT... Thông qua việc đưa sản phẩm nông nghiệp của huyện lên sàn TMĐT, sẽ dần hình thành các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn TMĐT). Từ đó, giúp khách hàng trong và ngoài huyện, tỉnh có thể mua trực tiếp sản phẩm từ hộ sản xuất nông nghiệp một cách thuận tiện, nhanh chóng, giá cả phù hợp.
Sẽ triển khai đối với sản phẩm OCOP
Ông Thuận cho biết, UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm đầu mối cung cấp cho các bên liên quan thông tin về mùa vụ, dự báo sản lượng, tình hình dịch bệnh, các chính sách nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; cung cấp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin triển khai các hoạt động phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tham gia sàn TMĐT, các phiên chợ, hội chợ, triển lãm thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại... UBND các xã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kế hoạch để người dân trên địa bàn huyện biết; cung cấp và cập nhật các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, diện tích, mùa vụ, sản lượng... khi có yêu cầu.
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ hỗ trợ triển khai đối với các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP của huyện như: Dưa lưới Ô Xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp Thương mại Bền vững Diệp Châu (xã Sông Cầu); bưởi da xanh Thái Tường của hộ kinh doanh Đặng Thái Luyện (xã Khánh Phú); bưởi da xanh Sơn Nguyên của hộ kinh doanh Sơn Nguyên (xã Khánh Phú)... Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ với các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trong năm nay; triển khai tập huấn, phổ biến kiến thức và hỗ trợ đưa các mặt hàng lên các sàn TMĐT.
VĨNH THÀNH