Theo quy định, trên địa bàn tỉnh phải thành lập cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa để quản lý các hoạt động liên quan. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa được triển khai, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
Theo quy định, trên địa bàn tỉnh phải thành lập cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa để quản lý các hoạt động liên quan. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa được triển khai, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 53 bến thủy nội địa với 53 tuyến đường thủy nội địa hoạt động. Trong đó, có 37 bến thủy nằm trong vùng nước cảng biển, 16 bến nằm ngoài vùng nước cảng biển. Những năm qua, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại 37 bến thủy trong vùng nước cảng biển; 16 bến nằm ngoài vùng nước cảng biển được Sở Giao thông vận tải (GTVT) hướng dẫn chủ cảng, bến thực hiện các quy định về giao thông đường thủy nội địa.
Ông Nguyễn Xuân Thu - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT cho biết, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định, Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý các bến thủy nội địa, cảng, khu neo đậu, luồng tuyến. Tuy nhiên đến nay, tỉnh vẫn chưa thành lập cơ quan này khiến việc quản lý các hoạt động về giao thông đường thủy gặp khó khăn. Việc phân công quản lý tạm giao cho Cảng vụ Hàng hải Nha Trang chưa thật sự hợp lý và đúng với Luật Giao thông đường thủy nội địa. Từ đó, gây ra những khó khăn, bất cập như: chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây lãng phí thời gian, công sức đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đường thủy và du khách khi đi làm các thủ tục xuất bến; không có đơn vị chuyên môn theo dõi về hạ tầng đường thủy, điều kiện đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; không có đơn vị chịu trách nhiệm khi có sự cố đáng tiếc xảy ra. Theo Nghị định 08 năm 2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa, trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý chuyên ngành của địa phương.
Được biết, ngày 15-3, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị khẩn trương thành lập Cảng vụ đường thủy nội địa. Tháng 4-2022, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cũng có công văn đề nghị Sở GTVT khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để tiếp nhận công tác quản lý hoạt động phương tiện thủy nội địa, quản lý các bến thủy trong vùng nước cảng biển.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, với các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và nghị định, thông tư hướng dẫn thì việc thành lập tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa địa phương là điều cần thiết và không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Thực tế khi có quy định, sở đã có báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai vấn đề này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là con người, bởi tỉnh đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế. Trước đây, tỉnh đã đồng ý và dự kiến bố trí 5 biên chế khi thành lập tổ chức Cảng vụ đường thủy nội địa. Nhưng với khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng, số lượng biên chế như vậy khó có thể đảm bảo cho hoạt động của bộ máy một cách tốt nhất. Sở GTVT đang tham mưu UBND tỉnh, đề xuất chủ trương thành lập tổ chức này và cân nhắc về biên chế khi Cảng vụ đường thủy nội địa đi vào hoạt động.
THÀNH NAM