Tuy đang là cao điểm mùa vụ khai thác thủy sản nhưng liên tục trong 2 chuyến biển gần đây, rất nhiều tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không vươn khơi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy đang là cao điểm mùa vụ khai thác thủy sản nhưng liên tục trong 2 chuyến biển gần đây, rất nhiều tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không vươn khơi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tàu cá chờ giãn cách
Ông Nguyễn Trung Hiếu -Trưởng ban quản lý cảng Hòn Rớ cho biết: “Nhiều xã, phường ven biển trên địa bàn TP. Nha Trang phải thực hiện giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch nên tàu cá không thể ra khơi khai thác. Hiện ở cảng Hòn Rớ có hơn 200 tàu hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương, lưới cản đường dài trong tỉnh đang neo đậu tại vùng nước trước cảng”.
Cũng bởi tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, hoạt động thu mua thủy sản gặp nhiều khó khăn; giá cá giảm sâu. Cụ thể, trong chuyến biển tháng 7, tại cảng cá Đá Bạc (TP. Cam Ranh), ngoài cá ngừ vây vàng vẫn duy trì mức giá 120.000 đồng/kg, các loại cá khác giá giảm đến 50% so với các chuyến biển trước đó, như: cá ngừ sọc dưa bán chợ chỉ 20.000 đồng/kg, ngừ chủ 15.000 đồng/kg, cá cờ 30.000 đồng/kg... Trong khi đó, chi phí chuyến biển của tàu câu cá ngừ đại dương tăng 15%, lưới cản đường dài tăng 25% so với các chuyến biển trước; sản lượng khai thác đạt thấp, nhiều tàu thua lỗ nên chủ tàu quyết định cho tàu cá nằm bờ, chờ dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động trở lại bình thường mới đưa tàu vươn khơi.
Ông Lữ Thanh Phong -Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản) cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 746 tàu cá khai thác xa bờ; qua theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, trong chuyến biển tháng 8 này chỉ có 80 tàu cá xa bờ của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển Trường Sa và khu vực phía Nam. Số tàu cá xa bờ đang nằm bờ hiện nay rất lớn, chủ yếu tàu cá của ngư dân các địa phương ven biển phải phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng
Việc tàu cá nằm bờ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân mà còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu mua nguyên liệu của các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh. Đại diện một doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương tại Khu Công nghiệp Suối Dầu cho hay: Trong chuyến biển tháng 7, doanh nghiệp chỉ thu mua được 1/10 sản lượng so với chuyến biển bình thường; chuyến biển tháng 8, với số lượng tàu cá nằm bờ nhiều hơn thì tình hình nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu càng khó khăn hơn. Hiện nay chợ thủy sản lớn nhất Nam Trung bộ ở cảng cá Hòn Rớ với hơn 30 chủ vựa, doanh nghiệp thu mua nguyên liệu cho 44 nhà máy chế biến thủy sản tại Khu Công nghiệp Suối Dầu cũng phải tạm dừng hoạt động. Do đó, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn.
Sau khi cảng Hòn Rớ, cảng Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, các tàu cá xa bờ trong tỉnh đã được hướng dẫn về cảng cá Đá Bạc. Tại đây, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn bởi thủy sản khi bốc dỡ tại cảng cá Đá Bạc, Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá này chỉ có biên bản kiểm tra thủy sản khai thác, chứ không có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác để phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu. Tại Khánh Hòa, chỉ duy nhất cảng Hòn Rớ là cảng chỉ định thực hiện việc xác nhận này, trong khi cảng đang tạm dừng hoạt động.
Ông Lữ Thanh Phong cho biết: “Đối với số tàu cá đang hoạt động trên biển, trước khi cảng Hòn Rớ mở cửa trở lại, các lực lượng chức năng tiếp tục liên lạc để hướng dẫn các tàu thay đổi lộ trình về cập cảng Đá Bạc. Cơ quan quản lý đang xin ý kiến cấp trên về việc cấp xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đối với số thủy sản của tàu cá cập cảng, lên cá tại cảng Đá Bạc trong thời gian cảng Hòn Rớ phải tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, tàu cá cũng có thể cập về cảng cá chỉ định của các tỉnh lân cận để bán thủy sản khai thác cho doanh nghiệp”.
HẢI LĂNG