11:08, 15/08/2021

Phát triển đột phá ngành Công Thương

Trong chương trình hành động phát triển công nghiệp và thương mại Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu ngành Công Thương phải có bước phát triển mang tính đột phá, hiện đại và bền vững. Đặc biệt, ngành có vai trò chủ đạo trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trong chương trình hành động phát triển công nghiệp và thương mại Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu ngành Công Thương phải có bước phát triển mang tính đột phá, hiện đại và bền vững. Đặc biệt, ngành có vai trò chủ đạo trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.


Đề ra mục tiêu rõ ràng


Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Khánh Hòa. Điều đó cho thấy việc phát triển thiên về du lịch đã làm mất cân đối cơ cấu kinh tế. Chính vì vậy, trong những năm tới, sự phát triển của công nghiệp (CN) và thương mại đóng vai trò chủ đạo trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Từ nay đến năm 2025, UBND tỉnh đặt mục tiêu phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, huy động mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về tăng trưởng CN. Trong đó, trọng tâm là khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới mô hình thu hút đầu tư, phát triển CN công nghệ cao, lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ.

 

Hoạt động sản xuất tại Khatoco

Hoạt động sản xuất tại Khatoco


Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phát triển các phương thức giao dịch công nghệ 4.0 gắn với việc nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam. Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thương mại theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa; xây dựng và phát triển hạ tầng hiện đại.


Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong thời gian tới, mục tiêu chính của tỉnh là phát triển sản xuất CN theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, tập trung ưu tiên phát triển các ngành và gắn với quốc phòng, an ninh. Song song đó, tỉnh sẽ xây dựng môi trường kinh doanh, phát triển thương mại thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh; phát triển thương mại trên cơ sở phát huy các nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Nhiều giải pháp


Để đạt được các mục tiêu đề ra cho ngành Công Thương giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi, hỗ trợ đầu tư được xác định quan trọng và cấp bách. Cụ thể như: Tại Khu Kinh tế Vân Phong sẽ tập trung thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu CN, dự án CN năng lượng, đóng tàu, cảng biển, CN chế biến, chế tạo và các ngành CN phụ trợ. Khu vực TP. Nha Trang và vùng phụ cận tập trung phát triển các ngành CN kỹ thuật cao như điện tử, tin học, công nghệ vật liệu mới; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành; phát triển cơ sở CN nông thôn, sản phẩm CN phục vụ du lịch. Khu vực vịnh Cam Ranh tập trung phát triển cảng biển, CN chế biến, chế tạo, năng lượng điện mặt trời, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, giày da...

 

Trong chương trình hành động phát triển công nghiệp và thương mại Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đặt mục tiêu ngành Công Thương phải có bước phát triển mang tính đột phá, hiện đại và bền vững. Đặc biệt, ngành có vai trò chủ đạo trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Cảng của Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong.

 

Mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu chỉ số phát triển CN giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 6,5%; tỷ trọng ngành CN, xây dựng chiếm 31,6% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tỷ trọng sản phẩm CN chế tạo trong tổng giá trị sản xuất CN đạt 40%. Đối với 2 khu CN và 6 cụm CN đã quy hoạch sẽ được xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng và có tỷ lệ lấp đầy bình quân hơn 80% diện tích đất CN. Trong lĩnh vực thương mại, phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 2 tỷ USD/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tăng bình quân 9%/ năm.

 

Đồng thời, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan phải đổi mới và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào CN, nhất là ngành CN chế biến, chế tạo; ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có tỷ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ nội địa cao. Song song đó, cơ quan nhà nước tập trung giải quyết những khó khăn của dự án đầu tư; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.


Đối với lĩnh vực thương mại, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và cải tạo chợ theo mô hình văn minh thương mại, an toàn thực phẩm bằng nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa. Nhà nước tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư hạ tầng thương mại; chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, cửa hàng tiện lợi tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; khuyến khích phát triển mô hình siêu thị tổng hợp, chuyên ngành, cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, giai đoạn này, thương mại điện tử sẽ được quan tâm hàng đầu. Tỉnh sẽ tích cực thúc đẩy và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hoạt động thương mại; tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại trong hoạt động kinh doanh.

 

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, việc phát triển CN và thương mại để cân bằng lại cơ cấu nền kinh tế cũng như nâng cao tốc độ tăng trưởng của tỉnh là giải pháp cấp bách. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư sớm xây dựng các dự án, nhằm giải quyết việc làm và tăng nguồn thu cho tỉnh.


Đình Lâm