Khánh Sơn đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương đã và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để vừa giúp người dân tiêu thụ nông sản vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Khánh Sơn đang bước vào thời điểm chính vụ thu hoạch các loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, địa phương đã và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để vừa giúp người dân tiêu thụ nông sản vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Tháo gỡ khó khăn
Theo ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên vấn đề khó khăn nhất trong vụ thu hoạch sầu riêng năm nay là thiếu nhân công cắt hái và vận chuyển đi tiêu thụ. Vì vậy, cuối tháng 6, huyện đã cho phép các thương lái, nhân công thu hái sầu riêng vào địa phương để thu hoạch, vận chuyển với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, cách ly y tế; tạo điều kiện cho các xe tải có đăng ký “luồng xanh” chuyên chở nông sản, hàng hóa thiết yếu lưu thông ra, vào huyện. Từ ngày 6-8 (Khánh Sơn áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ), huyện tiếp tục cho phép các phương tiện vận tải có đăng ký “luồng xanh” từ các tỉnh, thành phía Nam vào địa bàn nếu những người trên xe có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực, cam kết đến đúng địa chỉ đã đăng ký để thu mua nông sản và chỉ lưu trú trong vòng 24 giờ. Đồng thời, huyện quy định cụ thể các trường hợp được ra khỏi nhà, trong đó có người dân đi chăm sóc vườn rẫy, thu hoạch nông sản (có đăng ký với UBND xã, thị trấn).
Để tránh tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc giữa thương lái với nông dân, các xã, thị trấn đã thành lập 31 điểm tập kết nông sản sau thu hoạch. Các thương lái chỉ đến điểm tập kết thu mua nông sản rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết: “Trên địa bàn xã có 8 điểm tập kết nông sản. Mỗi ngày, có 8-10 xe tải đến các điểm tập kết thu mua sầu riêng với số lượng 150-200 tấn. Hàng ngày, xã chỉ đạo lực lượng dân quân, y tế tiến hành phun khử khuẩn tại các địa điểm này; hướng dẫn người dân khi tập kết nông sản phải thực hiện nguyên tắc 5K”.
Đã tiêu thụ 50% sản lượng
Với diện tích 17ha sầu riêng, dự kiến vụ mùa năm nay, hộ ông Đặng Tài Bảy (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) thu hoạch được 300 tấn. Ông đã ký kết hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sầu riêng cho doanh nghiệp với giá 42.000 đồng/kg. Những ngày này, gia đình ông huy động khoảng 50 nhân công để cắt hái, vận chuyển để bảo đảm thu hoạch sầu riêng kịp thời vụ. Gia đình ông hiện đã tiêu thụ được hơn 90 tấn.
Gia đình ông Nguyễn Duy Luân (thôn Cam Khánh) cũng đang tất bật vận chuyển sầu riêng lên xe để chở đến điểm tập kết. Ông Luân chia sẻ: “Nhà tôi có gần 2ha sầu riêng, năm nay thu hoạch được 20 tấn, tăng 5 tấn so với năm ngoái. Hiện nay, gia đình đã thu hoạch xong sầu riêng và dọn vườn chuẩn bị chăm sóc vụ sau. Tuy giá bán giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với năm trước nhưng gia đình tôi vẫn có lãi”.
Thời gian qua, huyện Khánh Sơn đã tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sầu riêng cho các tổ hợp tác, nhà vườn có số lượng lớn. Đối với các nhà vườn nhỏ lẻ, thương lái trong huyện thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ qua hệ thống bưu cục, các xe chuyển phát nhanh… Điển hình như, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ A Hùng (tỉnh Bình Thuận) đã ký hợp đồng thu mua 1.000 tấn sầu riêng của người dân. Đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thu mua, vận chuyển sầu riêng về công ty để sơ chế, cấp đông… Còn theo đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ A Hùng Chi nhánh Khánh Sơn, đến thời điểm này, công ty đã thu hoạch, vận chuyển hơn 500 tấn sầu riêng. Giá sầu riêng giảm so với đầu mùa do trùng vụ ở Đắk Lắk và việc xuất khẩu không thuận lợi. Công ty dự định, sau khi thu hoạch xong số lượng sầu riêng đã ký hợp đồng sẽ tiếp tục thu mua cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, khâu vận chuyển cũng gặp khó khăn do địa phương chỉ cho phép xe tải vào địa bàn trong vòng 24 giờ.
“Hiện nay, sầu riêng Khánh Sơn bán tại vườn với giá bình quân 30.000 - 40.000 đồng/kg, giảm khoảng 10-20% so với năm ngoái nhưng người dân vẫn có lãi. Toàn huyện đã tiêu thụ khoảng 50% trên tổng sản lượng hơn 6.200 tấn sầu riêng của vụ năm nay, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Huyện cũng khuyến khích các chủ vườn nhanh chóng chốt hợp đồng với các thương lái để sớm tiêu thụ, không nên chờ giá. Dự kiến, đến cuối tháng 8, huyện sẽ hoàn thành việc tiêu thụ sầu riêng”, ông Nguyễn Văn Nhuận nói.
ĐINH LUẬN