10:05, 23/05/2021

Xã Vạn Lương: Chuyển đổi cây trồng trên đất kém hiệu quả

Những năm qua, xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã tập trung khảo sát, nghiên cứu, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp và hỗ trợ người dân chuyển đổi trên những vùng đất chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, giúp đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Những năm qua, xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã tập trung khảo sát, nghiên cứu, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp và hỗ trợ người dân chuyển đổi trên những vùng đất chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Qua đó, giúp đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất.


Trước đây, trên cánh đồng Bàu (thôn Quảng Phước, xã Vạn Lương), người dân thường trồng 2 vụ lúa cho năng suất cao. Thế nhưng, mấy năm gần đây, do biến đổi khí hậu, cánh đồng này trở nên thiếu nước, người dân chỉ còn trồng 1 vụ lúa. Ở những khu vực ruộng cao hơn, nước không lên tới nên người dân bỏ đất trống. Thấy lãng phí tài nguyên đất, chính quyền địa phương đã khảo sát, lựa chọn cây trồng phù hợp và vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng xoài, dừa… Trong số đó, gia đình bà Lê Thị Mai đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng xoài Úc, xoài Đài Loan, dừa xiêm. Bà Mai chia sẻ: “Những năm qua, lượng mưa ít, nước từ các đập dâng không về tới cánh đồng nên chúng tôi không thể trồng lúa. Được xã vận động, hỗ trợ kinh phí, chúng tôi đào ao trữ nước và chuyển sang trồng xoài, dừa xiêm. Đến nay, cây trồng phát triển tốt và cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm”. Ngoài ra, gia đình bà Mai còn chuyển đổi hơn 1ha đất sang trồng cây dưa hấu cho năng suất khá.

 

Gia đình bà Lê Thị Mai chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả  sang trồng xoài cho năng suất cao.

Gia đình bà Lê Thị Mai chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng xoài cho năng suất cao.


Tương tự, được địa phương hỗ trợ một phần kinh phí, gia đình ông Đặng Bính (thôn Mỹ Đồng) cũng thực hiện chuyển đổi hơn 2,3ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng gần 800 cây bưởi da xanh. Đồng thời, chuyển đổi gần 0,5ha đất lúa 1 vụ sang trồng hơn 1.100 gốc thanh long ruột đỏ. Ông Bính cho biết, vài năm gần đây, nguồn nước thiếu trầm trọng nên việc trồng lúa gặp khó khăn. Khi xã vận động, ông thấy hợp lý nên đăng ký chuyển sang trồng bưởi, thanh long. Hiện nay, vườn bưởi, thanh long của gia đình ông phát triển tốt và cho quả bói, hứa hẹn nhiều triển vọng. Nhờ gia đình đầu tư hệ thống béc phun nên việc tưới nước cũng thuận tiện.


Theo báo cáo của UBND xã Vạn Lương, hầu hết người dân trên địa bàn xã chủ yếu làm nông nghiệp. Trong đó, phần lớn diện tích đất trồng lúa. Tuy nhiên, trước sự biến đổi của khí hậu khắc nghiệt nên nhiều cánh đồng trồng lúa, cây màu của bà con ngày càng gặp khó khăn. Đặc biệt, nguồn nước cung cấp thất thường nên người trồng lúa gặp thua lỗ vì chết cháy. Vì vậy, xã đã khảo sát, vận động bà con có diện tích đất ở khu vực thường xuyên thiếu nước chuyển sang trồng những cây thích hợp, tránh lãng phí tài nguyên đất. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên diện tích hơn 60,6ha của hơn 50 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Trong đó, chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu hơn 23ha, chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả hơn 37,6ha. Đa số bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây như: Bắp, đậu phụng, dưa hấu, xoài, thanh long, bưởi, dừa xiêm… Trước khi chuyển đổi, địa phương hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và ứng dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt. Nhờ đó, phần lớn diện tích bà con đã chuyển đổi cây trồng phù hợp, phát triển tốt, cho năng suất cao hơn. Kết quả chuyển đổi được các sở, ngành, UBND huyện nghiệm thu, đánh giá và ghi nhận.


Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Vạn Lương cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, địa phương sẽ thực hiện chuyển đổi hơn 5ha đất trồng cây hàng năm, lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây xoài, dừa xiêm với tổng vốn hỗ trợ hơn 350 triệu đồng. Việc bà con chuyển đổi cây trồng đã và đang đem lại kết quả khả quan. Thế nhưng, để khuyến khích người dân chuyển đổi, các cấp, ngành cần hỗ trợ địa phương tạo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, định hướng chuyển đổi cây trồng tạo thành vùng chuyên canh để bà con tập trung đầu tư, chăm sóc và liên kết với các doanh nghiệp, đầu mối bao tiêu sản phẩm làm ra.


VĂN GIANG