10:05, 21/05/2021

Những cánh đồng "khát"

Tuy nằm ở phía dưới khu vực hạ du hồ Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) có sức chứa hơn 21 triệu m3 nhưng nhiều năm qua, hàng ngàn héc-ta đất trồng mía, mì của người dân các xã: Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam… phải bỏ hoang, canh tác không hiệu quả.

Tuy nằm ở phía dưới khu vực hạ du hồ Tà Rục (xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) có sức chứa hơn 21 triệu m3 nhưng nhiều năm qua, hàng ngàn héc-ta đất trồng mía, mì của người dân các xã: Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Nam… phải bỏ hoang, canh tác không hiệu quả.


Cây chết vì thiếu nước


Những ngày tháng 5 nắng bỏng rát, dẫn chúng tôi tới cánh đồng mía và mì gần 500ha thuộc các thôn: Triệu Hải, Cửa Tùng, Thủy Ba, Hiền Lương, Tân An, ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Bắc cho biết, năm nay mưa nhiều hơn nhưng cũng không cứu nổi cánh đồng này khỏi cảnh mất mùa. Cánh đồng xã Cam An Bắc từ khi hình thành đến nay nằm ven núi, không có khe suối và hệ thống kênh mương nên việc canh tác chủ yếu dựa vào nước mưa. 5 năm qua, tình hình nắng hạn trở nên gay gắt; người dân trồng mía, mì 1 năm 1 vụ, nhưng cứ trồng được 2 - 3 tháng là cây chết vì thiếu nước. Những cây sống được đến cuối vụ thì èo uột, củ nhỏ, không đạt năng suất. Trước đây, cây mía thu hoạch trung bình mỗi vụ 30 tấn/ha, nay còn 15 tấn/ha, cây mì từ 3 - 4 tấn/sào (1.000m2) còn 1 tấn/sào.

 

Nhiều diện tích đất ở cánh đồng thôn Triệu Hải (xã Cam An Bắc) bỏ hoang do không có nước.

Nhiều diện tích đất ở cánh đồng thôn Triệu Hải (xã Cam An Bắc) bỏ hoang do không có nước.


Mất mùa, cây trồng không sống nổi dẫn đến tình cảnh người dân phải bỏ hoang đất canh tác. Ông Trần Hữu Hồng (thôn Triệu Hải) cho biết, hiện nay, người dân ở địa phương cho thuê lại đất ở cánh đồng thôn với giá 500.000 đồng/năm, thậm chí cho không nhưng cũng không ai mặn mà canh tác. Có đất nhưng không thể canh tác vì thiếu nước, nhiều người đã bỏ làm nông đi làm thuê ở Khu du lịch Bãi Dài hay vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân.


Tại các cánh đồng ở xã Cam Hiệp Nam cũng rơi vào tình cảnh khô hạn, thiếu nước. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Nam cho biết, trên địa bàn xã có 200ha đất canh tác nông nghiệp của người dân 3 thôn: Suối Cát, Vĩnh Thái, Quảng Đức đang thiếu nước, cây không phát triển được. Tương tự, ông Lê Văn Châu - Chủ tịch HĐND xã Cam An Nam cho biết, hiện có khoảng 700ha đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn xã canh tác không hiệu quả do phụ thuộc vào nước trời. Tình hình càng khó khăn hơn khi đang bước vào cao điểm mùa khô hạn; nếu không có nước, nhiều diện tích trồng mía, mì sẽ chết.


Mong chờ nước từ hồ Tà Rục


Được biết, các vùng khô hạn ở huyện Cam Lâm nêu trên thuộc vùng hạ du hồ chứa nước Tà Rục. Công trình hồ Tà Rục có sức chứa hơn 21 triệu m3 nước, do Ban Quản lý đầu tư - xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng vốn ban đầu khoảng 700 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên gần 1.000 tỷ đồng.

 

Ông Dương Ngọc Đan - Trưởng ban quản lý hồ Tà Rục (Ban 7): Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa đang làm việc với các xã có hệ thống kênh chính Bắc đi qua để kê khai đăng ký diện tích tưới. Dự kiến trong năm 2021 sẽ đưa vào sử dụng hệ thống kênh này đảm bảo tưới tiêu cho người dân canh tác.

Công trình hồ Tà Rục được khởi công từ tháng 8-2010, đến tháng 2-2014 chặn dòng và tích nước từ cuối năm 2014; dự kiến cung cấp nước tưới cho hơn 1.750ha đất canh tác ở huyện Cam Lâm và nước sinh hoạt cho huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh. Tuy người dân đã mong chờ nhiều năm nhưng đến nay, nước từ hệ thống kênh mương hồ Tà Rục vẫn chưa về đến những cánh đồng khô khát.


Ông Dương Ngọc Đan - Trưởng ban quản lý hồ Tà Rục (Ban 7) cho biết, theo thiết kế, công trình hồ Tà Rục có 2 kênh chính là kênh Nam (dài 4km), kênh Bắc (dài 16,1km) cùng hàng loạt kênh cấp 1. Đối với kênh chính Nam, Ban 7 đã thi công hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2018. Đối với những cánh đồng đang chịu khô hạn ở các xã: Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Nam… nằm trong vùng cung cấp nước tưới khi kênh chính Bắc đưa vào sử dụng. Do không có vốn nên đến tháng 2-2020, hệ thống kênh chính Bắc hồ Tà Rục mới được bố trí đủ vốn thi công. Đến nay, toàn bộ hệ thống kênh chính Bắc đã thi công cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đưa nước vào tưới. Đầu tháng 5-2021, Ban 7 đã làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa và bàn giao từng phần hiện trạng hệ thống kênh chính Bắc để mở nước thông kênh.


THÁI THỊNH