Sáng 13-1, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh chủ trì buổi làm việc về kết quả hoạt động năm 2020.
Sáng 13-1, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389) chủ trì buổi làm việc về kết quả hoạt động năm 2020.
Phát hiện 2.211 vụ vi phạm
Năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra, mang lại hiệu quả tích cực. Lực lượng chức năng đã phát hiện 2.211 vụ vi phạm, giảm 203 vụ so với năm 2019; trong đó có 517 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, 1.667 vụ gian lận thương mại và 27 vụ hàng giả. Tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 290 tỷ đồng (tăng 3,47% so với năm 2019).
Trong năm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng về các mặt hàng phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tăng đột biến. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng có dấu hiệu đầu cơ, gom hàng để bán ra thị trường kiếm lời. Công an tỉnh và các địa phương đã kịp thời ngăn chặn, đưa khẩu trang, nước rửa tay vào danh sách mặt hàng trọng điểm cần quan tâm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá nhằm trục lợi. Qua đó, lực lượng công an đã tịch thu 1.050 hộp khẩu trang y tế các loại không có hóa đơn chứng từ; 10.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Tại cuộc họp, vấn đề được các thành viên BCĐ 389 đặc biệt quan tâm là những khó khăn, hạn chế trong việc quản lý nhà nước và xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Hầu hết các thành viên đều cho rằng, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo hay trên các website TMĐT, sàn giao dịch TMĐT. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng…
Ông Nguyễn Hoàng Quy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Quy định của Nhà nước về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT hiện nay còn nhiều hạn chế. Việc xử lý các đơn vị kinh doanh, buôn bán qua mạng xã hội được thực hiện theo Nghị định 52 của Chính phủ về TMĐT. Tuy nhiên, trong nghị định chỉ quy định việc xử lý các website, sàn giao dịch, chưa có quy định cụ thể nào về việc xử lý các cá nhân sử dụng trang mạng xã hội kinh doanh, buôn bán. Trong khi đó, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng nhiều tài khoản đăng nhập vào các trang mạng xã hội để mua bán, kinh doanh. Đó là chưa kể một số tổ chức, cá nhân thiết lập website TMĐT có địa chỉ gần giống với website TMĐT của doanh nghiệp khác nhằm lợi dụng thương hiệu, hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đó để phục vụ hoạt động kinh doanh, gây nhầm lẫn đối với khách hàng. Thực tế, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý chống hàng giả, gian lận thương mại nhưng hành lang pháp lý để xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế”.
Tăng cường xử lý
Năm 2021, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố khó lường, nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào Việt Nam còn hiện hữu, các loại tội phạm lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu và vận chuyển nội địa cảng biển để buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch. Ngoài ra, các đối tượng sẽ lợi dụng lập các trang web để kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường…
Với tình hình đó,ông Lê Hữu Hoàng chỉ đạo các lực lượng nòng cốt như: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng tỉnh… tiếp tục triển khai làm tốt công tác dự báo tình hình, diễn biến về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, TMĐT, các website, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến; tiếp tục quản lý chặt các mặt hàng trong phòng, chống dịch Covid-19… Bên cạnh đó, các lực lượng kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các tụ điểm tập kết, chứa hàng nhập lậu trong khu vực biên giới, vùng biển, tập trung vào các mặt hàng xăng dầu, khoáng sản.
Đối với các vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động TMĐT, thuốc bảo vệ thực vật, các ngành làm báo cáo cụ thể gửi Thường trực BCĐ 389 tỉnh để tổng hợp và gửi BCĐ 389 quốc gia.Ông Lê Hữu Hoàng cũng chỉ đạo nâng cao công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng như: Hải quan, thuế, biên phòng, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành… trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
KHÁNH HÀ