Thời gian qua, huyện Cam Lâm đã có nhiều giải pháp thích hợp để quản lý việc nuôi trồng thủy sản trên đầm Thủy Triều theo chỉ đạo của tỉnh. Hiện nay, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, huyện tiếp tục chỉ đạo không cho phát sinh thêm trước khi có chỉ đạo mới.
Thời gian qua, huyện Cam Lâm đã có nhiều giải pháp thích hợp để quản lý việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên đầm Thủy Triều theo chỉ đạo của tỉnh. Hiện nay, khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, huyện tiếp tục chỉ đạo không cho phát sinh thêm trước khi có chỉ đạo mới.
Quản lý chặt chẽ
Thực hiện Quyết định 1788 (ngày 22-6-2018) của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch ngành Thủy sản Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, thời gian qua, huyện Cam Lâm đã vận động những hộ NTTS trên đầm Thủy Triều giảm số lượng và mật độ lồng nuôi, phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ phát triển NTTS trên mặt đầm. Đến nay, tổng số hộ NTTS trên đầm Thủy Triều chỉ còn 84 hộ, 205 lồng, 45 bè (giảm 10 hộ, 58 lồng, 19 bè so với trước khi có Quyết định 1788). Ngoài ra, 1 nhà bè, 5 bè nuôi của 2 hộ từ Cam Ranh di dời đến đầm Thủy Triều để NTTS cũng đã bị trục xuất khỏi khu vực.
Từ tháng 1-2019, Luật Quy hoạch có hiệu lực, tỉnh không còn thẩm quyền lập quy hoạch ngành. Vì vậy, quy hoạch NTTS theo Quyết định 1788 không còn đủ cơ sở để huyện triển khai việc xử lý các hộ NTTS lồng bè trong khu vực đầm Thủy Triều. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và mặt nước trên đầm, đưa công tác này vào nề nếp. Các giải pháp đã được huyện đưa ra là: Tạm thời giữ nguyên hiện trạng các hộ đang nuôi lồng, bè trong khu vực đầm Thủy Triều, không để phát sinh hộ nuôi mới; đồng thời, các hộ đang nuôi không được cơi nới, mở rộng quy mô nuôi trồng; tiếp tục tuyên truyền để người dân tự tháo dỡ, di dời trong thời gian tới; theo dõi chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp lồng, bè từ Cam Ranh kéo ra neo đậu trên khu vực đầm. Các hộ phải ký cam kết với các địa phương tự di dời và tháo dỡ khi Nhà nước thu hồi khu vực nuôi.
Đề xuất cho nuôi tạm
Theo ông Đặng Chí Liêm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, lồng bè nuôi ven đầm Thủy Triều chủ yếu là các loại cá (mú, chẽm, dìa, chim…) và hàu sữa. Hầu hết hộ NTTS trên đầm là người dân địa phương, cuộc sống khó khăn, bám đầm để mưu sinh nên không có đầu tư lớn. Vật liệu làm lồng bè đơn giản, thường là cây gỗ hay cắm cọc giăng lưới nuôi. Hiện nay, các hộ có nguyện vọng duy trì vùng nuôi tạm (3 - 5 năm), khi nào Nhà nước triển khai các dự án du lịch trên đầm sẽ tự nguyện tháo dỡ. Ông Nguyễn Ngọc Dương (45 tuổi, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông) cho biết, cuộc sống của gia đình ông trông cậy vào việc NTTS trên đầm. Ông có 4 lồng cá, nuôi 1.500 con, doanh thu năm thuận lợi hơn 100 triệu đồng. Ông sẵn sàng tháo dỡ hay di dời nếu huyện trưng dụng mặt nước đầm để triển khai các dự án mới. Tuy nhiên, hiện nay, những lao động như ông cũng đã lớn tuổi, rất khó xin việc, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho lao động mất việc làm.
Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho huyện hướng đề xuất mới. Theo đó, do thu nhập của người NTTS chủ yếu dựa vào nguồn lợi đầm và việc NTTS góp phần phát triển kinh tế địa phương; hiện tại, mật độ nuôi giảm đáng kể, không cản trở luồng lạch tàu bè, không ô nhiễm nguồn nước nên lãnh đạo phòng đề nghị huyện tạo điều kiện cho các hộ nuôi tạm 3 - 5 năm, hộ cam kết tháo dỡ khi Nhà nước sử dụng mặt nước phát triển các dự án trên đầm. Đồng thời, nghiêm cấm việc phát sinh thêm lồng bè, tiến tới tháo dỡ toàn bộ lồng bè vào thời điểm thích hợp. Phòng cũng đề nghị huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ven đầm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động hạn chế NTTS trên đầm; lập biên bản hộ cơi nới, mở rộng việc NTTS; chuyển đổi nghề phù hợp với tình hình thực tế địa phương; các ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ rà soát kế hoạch sử dụng đất, tham mưu việc chấp hành pháp luật, mở lớp đào tạo nghề phù hợp để các hộ chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
V.L