Những tháng đầu năm, do nắng hạn kéo dài, không đủ nước tưới cùng với nạn ruồi vàng đục quả khiến năng suất cây táo ở xã Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh giảm mạnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây, trời bắt đầu có mưa nên người dân đang hy vọng vào vụ táo cuối năm.
Những tháng đầu năm, do nắng hạn kéo dài, không đủ nước tưới cùng với nạn ruồi vàng đục quả khiến năng suất cây táo ở xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh giảm mạnh so với năm ngoái. Tuy nhiên, gần đây, trời bắt đầu có mưa nên người dân đang hy vọng vào vụ táo cuối năm.
Năng suất giảm
Vụ táo đầu của niên vụ 2020 - 2021, nông dân xã Cam Thành Nam thất thu. Tuy giá táo cao hơn mọi năm khoảng 20% nhưng do năng suất thấp nên nhiều nhà vườn thu không đủ bù chi, thậm chí có vườn không có thu hoạch.
Theo ông Trịnh Văn Quân (thôn Quảng Hòa), gia đình ông có 8.000m2 đất trồng táo đã 6 - 7 năm tuổi. Những năm trước, vào đầu tháng 8, táo bắt đầu cho thu hoạch chính vụ, sản lượng khoảng 40 tấn/năm, giá bán từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg, gia đình ông thu được gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, do nắng hạn kéo dài, không có nước tưới nên cây táo ít đậu quả. Chưa kể, một số diện tích còn bị nạn ruồi vàng đục quả. Vụ đầu, gia đình ông chỉ thu được vài tấn. Gần đây, trời bắt đầu mưa nhiều, đảm bảo nguồn nước tưới nên hiện cây táo đã hồi sinh và cho quả. So với mọi năm, dự kiến vụ này sản lượng quả đạt khoảng 70 - 80% nếu thời tiết thuận lợi, vài tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Như vậy, gia đình ông có thể vớt vát được vốn và công chăm sóc.
Cách đó không xa, vườn táo của gia đình ông Nguyễn An Tinh cũng bắt đầu cho hoa và quả vụ cuối năm. Được biết, vụ táo đầu với 6.000m2 của gia đình ông chỉ cho sản lượng bằng 1/3 so với mọi năm. Vì vậy, gia đình ông cũng rất trông chờ vào vụ táo cuối năm.
Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Nam cho biết, trên địa bàn xã có gần 50ha táo, tập trung chủ yếu ở thôn Quảng Hòa. Niên vụ 2020 - 2021, do thời tiết nắng hạn kéo dài, nguồn nước tưới gặp khó khăn nên sản lượng táo giảm đáng kể. Tuy nhiều hộ đã chủ động vét mương, khoan giếng, đào ao và tranh thủ tận dụng các nguồn nước chăm sóc cho cây nhưng vẫn không đủ, trong đó có khoảng 20% gần như không có thu hoạch. Số còn lại, sản lượng táo giảm khoảng 50%. Ngoài ra, việc táo giảm sản lượng còn do nạn ruồi vàng đục quả, nhất là diện tích táo trồng theo kiểu truyền thống.
Hướng đến trồng táo an toàn
Theo ông Hồ Tấn Cường - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) táo Cam Thành Nam, gia đình ông trồng 2ha táo đã được 6 - 7 năm tuổi. Năm nay, tuy nắng hạn kéo dài nhưng do chủ động được nguồn nước tưới từ giếng khoan nên sản lượng giảm không đáng kể, trong đó có 7.000m2 giảm sản lượng khoảng 50%, số còn lại vẫn đạt 30 tấn/ha/vụ. Không chỉ sản lượng, táo của gia đình ông còn đảm bảo về chất lượng nhờ đầu tư làm nhà lưới. Năm 2018, gia đình ông thí điểm đầu tư làm nhà lưới với diện tích 5.000m2. Thấy hiệu quả kinh tế cao, gia đình ông đã nhân rộng ra 2ha. Vụ vừa rồi, tuy sản lượng táo có giảm hơn so với năm ngoái nhưng giá bán tăng 20% nên gia đình ông vẫn có lãi cao. Hiện nay, ông nhập cho các siêu thị giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi hơn 250 triệu đồng/ha/vụ.
“Việc làm nhà lưới cho cây táo mang lại nhiều ưu điểm vượt trội như: Giảm chi phí đầu tư; giá bán tăng từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg so với táo trồng không bọc lưới, giảm tỷ lệ ruồi vàng đục quả và thuốc bảo vệ thực vật hơn 90%. Quả táo thu hoạch rất đẹp và rất an toàn cho người sử dụng. Hiện nay, HTX có 11 thành viên, năm 2019 có 3ha áp dụng làm nhà lưới, đến năm 2020 có 8ha. Dự kiến, đến năm 2021, 100% vườn táo của các hộ trong HTX sẽ làm nhà lưới. Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao (khoảng 150 triệu đồng/ha với thời gian 3 năm) nhưng rất hiệu quả, nên không chỉ các hộ trong HTX mà đa số người trồng táo trên địa bàn xã đều có hướng đầu tư làm nhà lưới nhằm nâng cao giá trị và bảo vệ thương hiệu cây táo Cam Thành Nam”, ông Cường nói.
Ông Trịnh Văn Quân cho biết, thấy các hộ làm nhà lưới cho cây táo hiệu quả kinh tế cao, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật nên mới đây ông đã đầu tư làm nhà lưới cho 4.000m2. Thời gian tới, ông sẽ mở rộng cho diện tích táo còn lại. Ông Nguyễn Văn Ngọc (thôn Quảng Hòa) cũng tiến hành làm nhà lưới cho 4.000m2 táo đang cho quả…
Ông Nhẹ cho biết: “Để táo Cam Thành Nam trở thành cây có giá trị cao, được nhiều người biết đến, Hội Nông dân xã đang khuyến khích các hộ nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, thực hiện quy trình canh tác tiên tiến theo hướng VietGAP, công nghệ tưới tiết kiệm nước, bảo quản sau thu hoạch… Trước mắt, hội vận động người dân đầu tư làm nhà lưới để giảm thiểu sâu bệnh, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, chỉ đạo HTX táo Cam Thành Nam đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho cây táo”.
Khánh Hà