UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản 8773/UBND-KT yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 2 xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản 8773/UBND-KT yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 2 xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở TN-MT tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo của tỉnh, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh để đảm bảo tài nguyên nước được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 7117, ngày 16-7-2020, Sở TN-MT và UBND huyện Vạn Ninh đã tập trung chỉ đạo các xã Vạn Thạnh, Vạn Thọ, các phòng, ban chuyên môn của huyện tiến hành rà soát, kiểm tra và đề xuất hướng xử lý đối với các hộ nuôi tôm trên bạt, thống kê các hộ đã khoan giếng sử dụng nước ngầm để nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn các hộ đăng ký khai thác với lưu lượng dưới 10m3/ngày đêm theo đúng quy định. Qua rà soát, có 121 hộ có giếng khoan khai thác, sử dụng nước ngầm tại Vạn Thạnh và Vạn Thọ. Các hộ đều đã thực hiện kê khai đăng ký với lưu lượng dưới 10m3/ngày đêm, tổng số 234 giếng có chiều sâu từ 4 đến 20m. Sở TN-MT đã yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng nước ngầm đối với các hộ đã thực hiện đăng ký, đảm bảo các hộ không khai thác vượt lưu lượng 10m3/ngày đêm; xử lý nghiêm các hộ khoan giếng mới tại khu vực xã Vạn Thọ để lấy nước nuôi tôm. Đối với khu vực xã Vạn Thạnh, người dân có nhu cầu khai thác phải đăng ký trước khi khoan giếng và chỉ cho phép khai thác với lưu lượng dưới 10m3/ngày đêm.
Được biết, nhiều năm qua, hoạt động khai thác nước ngầm quá mức, không theo quy định của hầu hết các hộ nuôi tôm trên bạt, đặc biệt là ở xã Vạn Thọ, Vạn Ninh đang tác động xấu đến môi trường khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt, xâm nhập mặn ngày càng sâu hơn vào đất liền.
H.Đ