Mỗi năm, có hàng trăm nghìn lượt tàu cá ra vào các cảng lớn trên địa bàn tỉnh. Để quản lý đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa hoạt động này, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành phương án khai thác, sử dụng các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Mỗi năm, có hàng trăm nghìn lượt tàu cá ra vào các cảng lớn trên địa bàn tỉnh. Để quản lý đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa hoạt động này, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành phương án khai thác, sử dụng các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Góp phần chống khai thác bất hợp pháp
Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa được giao quản lý 4 cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh, gồm: Vĩnh Lương, Hòn Rớ (TP. Nha Trang), Đá Bạc (TP. Cam Ranh), Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) và 1 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão ở Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa). Theo ông Lê Hải Dũng - Giám đốc trung tâm, từ trước tới nay, hoạt động quản lý, khai thác cảng cá thực hiện theo quy chế được tỉnh xây dựng từ năm 2003. Sau nhiều năm áp dụng, quy chế này dần bộc lộ một số hạn chế. Nhất là khi Luật Thủy sản có hiệu lực từ năm 2018, cần thiết phải xây dựng một phương án quản lý, khai thác các cảng cá phù hợp với tình hình hiện tại và đáp ứng được các đòi hỏi, quy định của pháp luật hiện hành.
Về mặt hành chính, quy định hiện nay đòi hỏi tất cả cảng cá đều phải thực hiện thủ tục công bố mở - đóng cảng. Muốn thực hiện thủ tục này cần có phương án quản lý, sử dụng cảng cá do UBND cấp tỉnh xây dựng. Quan trọng hơn, theo ông Lê Hải Dũng, phương án còn giúp cơ quan được giao nhiệm vụ này tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cảng một cách thuận lợi, đồng bộ, có hệ thống; đặc biệt còn giúp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động khai thác của các tàu cá thông qua việc xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Theo phương án khai thác, sử dụng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh thông qua giữa tháng 8, Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa được giao trách nhiệm tổ chức việc thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định. Đồng thời, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, không cho bốc dỡ sản phẩm tại cảng đối với tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định; từ chối xác nhận nguyên liệu thủy sản nếu các tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin không chính xác theo quy định.
Phân cấp quản lý
Mỗi năm, có hàng trăm nghìn lượt tàu cá trong và ngoài tỉnh ra vào các cảng cá lớn ở Khánh Hòa. Trong đó, cảng Hòn Rớ tại xã Phước Đồng, TP. Nha Trang là một trung tâm hậu cần nghề cá sôi động ở khu vực Nam Trung Bộ. Thống kê năm 2019 cho thấy, tại 4 cảng cá lớn và 1 khu neo đậu tránh trú bão kể trên có 177.000 lượt tàu thuyền cập cảng, hơn 43.000 lượt tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão; có gần 51.000 tấn thủy sản được bốc dỡ tại các cảng này để từ đó vươn tỏa ra thị trường.
Theo phương án được duyệt, trong điều kiện bình thường, Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa là đơn vị quản lý các cảng này. Nhưng trong thời gian sử dụng cho tàu cá neo đậu tránh trú bão, các cảng này sẽ do Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh quản lý, điều hành. Ngoại trừ cảng Vĩnh Lương và Đại Lãnh không có khả năng tránh trú bão, 2 cảng cá còn lại là Hòn Rớ và Đá Bạc cùng với khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải có khả năng chứa được tối đa đến 3.800 tàu thuyền tránh trú bão. Việc điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh cho các tàu cá khi vào tránh trú bão cũng được phân cấp, phối hợp, giao trách nhiệm chi tiết cho từng đơn vị cụ thể.
Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, phương án còn giao quyền cụ thể cho trung tâm trong việc đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống cháy nổ trong khu vực các cảng; kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý các sai phạm xảy ra trong quá trình vận hành cảng cá. Cùng với việc quy định cụ thể, chặt chẽ hoạt động tại các cảng cá, phương án cũng đặt ra hướng phát triển trong thời gian đến, đó là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cảng cá chuyên dụng, trung tâm trao đổi mua bán thủy sản; tiếp tục tập trung khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, coi đây là cơ hội để phát triển nghề cá theo hướng bền vững, có trách nhiệm.
Hồng Đăng