10:08, 13/08/2020

Khánh Sơn: Nhiều diện tích bắp bị sâu hại

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) tuy mới xâm nhập vào nước ta từ tháng 4-2019 nhưng đã gây hại trên nhiều diện tích cây trồng. Năm nay, huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại sâu bệnh này.

 

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) tuy mới xâm nhập vào nước ta từ tháng 4-2019 nhưng đã gây hại trên nhiều diện tích cây trồng. Năm nay, huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi loại sâu bệnh này.


Hơn 400ha bắp bị sâu hại


Thời gian qua, vợ chồng ông Mấu Hồng Ân ở thôn Dốc Gạo (xã Ba Cụm Bắc) đứng ngồi không yên khi 2 rẫy bắp của gia đình bị sâu keo mùa thu gây thiệt hại nặng. Sau khi được tập huấn về cách phòng trừ, ông liền lên rẫy để phun thuốc bảo vệ thực vật với hy vọng sẽ ngăn chặn được sự lây lan, tàn phá cây bắp của loại sâu này. “Gia đình tôi có 2 rẫy bắp, với tổng diện tích 2,8ha. Tôi trồng gần 50 ngày mà cây không phát triển được, chỉ cao chưa đến 10cm, do bị sâu keo mùa thu phá. Cây bắp cứ ra đọt, lá non liền bị sâu ăn, ban đầu chỉ một vài diện tích nhỏ, hiện nay lan ra toàn bộ rẫy bắp. Nếu phun thuốc bảo vệ thực vật mà không diệt được sâu thì đành phải phá bỏ, thiệt hại trắng vì có để lại cây bắp cũng không phát triển, không trổ cờ được”, ông Ân cho hay.

 

Nông dân xã Ba Cụm Bắc phun thuốc phòng, trừ sâu keo mùa thu.

Nông dân xã Ba Cụm Bắc phun thuốc phòng, trừ sâu keo mùa thu.


Xã Ba Cụm Bắc có diện tích bị thiệt hại lớn, 240ha trong tổng số 350ha bắp của toàn xã bị sâu keo phá. Qua theo dõi của cán bộ phụ trách nông nghiệp địa phương, sâu keo mùa thu thường ăn lá, thân và có tính gối lứa cao, con trưởng thành có khả năng sinh sản kéo dài nên có khả năng gây hại trong nhiều giai đoạn phát triển của cây bắp. Năm 2019, sâu keo mùa thu cũng gây hại trên nhiều diện tích bắp của người dân địa phương, làm giảm năng suất từ 60 - 80%, thậm chí nhiều hộ mất trắng.

 
Theo bà Lê Thị Nhật Anh - Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Sơn, sâu keo mùa thu đang phát sinh gây hại rất mạnh trên cây bắp tại các địa phương trong huyện, diện tích bị hại hơn 400ha. Qua nắm bắt, khảo sát thực tế, cây bắp bị thiệt hại chủ yếu trong giai đoạn 2 - 3 lá đến trổ cờ, mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, những khu vực có mật độ cao lên đến 8 - 12 con/m2. Sâu keo mùa thu là đối tượng gây hại mới, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ gây hại nặng cho cây bắp và nhiều loại cây trồng khác.


Hướng dẫn nông dân phòng trừ


Để giúp người dân nắm bắt kịp thời các phương pháp phòng trừ sâu keo mùa thu, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty Bảo vệ thực vật An Giang - Tập đoàn Lộc Trời tổ chức 6 đợt tập huấn cho người dân các địa phương như: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Trung, Sơn Hiệp, Thành Sơn, thị trấn Tô Hạp. Qua tập huấn, người dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ sâu. Đến thời điểm này, tình hình sâu bệnh đã cơ bản được khống chế, nhiều diện tích bắp đã dần phục hồi.


Được biết, sâu keo mùa thu là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó khăn cho công tác phòng tránh. Để phòng trừ sâu keo mùa thu, tháng 1-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu, hướng dẫn chi tiết cách thức phòng, chống trên các loại cây trồng, nhất là cây bắp. Theo đó, nông dân trồng bắp cần lưu ý, trước khi gieo hạt, cần sử dụng giống kháng, chống chịu sâu keo mùa thu (như các giống: NK 7318 Bt/Gl, IXZ:OOBt/GT, NK 66 Bt/cT, NK 6101 Bt/GT, 86395, 69195, 995585...) để gieo trồng; đồng thời cần xử lý hạt giống bằng thuốc bảo vệ thực vật để tăng hiệu quả phòng trừ sâu ở giai đoạn đầu vụ. Trong giai đoạn cây bắp phát triển đến 7 lá, áp dụng các biện pháp sinh học, đặt bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy dẫn dụ giới tính để phòng trừ. Đối với việc sử dụng thuốc hóa học, có thể sử dụng các loại thuốc phun phòng trừ sâu keo mùa thu được hướng dẫn, nên phun thuốc ở giai đoạn sau trồng cho đến trước khi cây bắp xoáy nõn, sắp trổ cờ; phun thuốc trong khoảng thời gian sáng sớm hoặc chiều mát khi sâu thường chui ra ngoài để gây hại nên khả năng sâu tiếp xúc với thuốc sẽ cao hơn…


HẢI LĂNG