Với lợi thế từ khu vực nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa đang là điểm đến cho nhiều dự án tỷ đô. Trong tương lai gần, trên vùng đất cách mạng, hàng loạt dự án mới sẽ đi vào hoạt động, tạo nên sức bật cho nền kinh tế địa phương.
Với lợi thế từ khu vực nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa đang là điểm đến cho nhiều dự án tỷ đô. Trong tương lai gần, trên vùng đất cách mạng, hàng loạt dự án mới sẽ đi vào hoạt động, tạo nên sức bật cho nền kinh tế địa phương.
Cực tăng trưởng mới của tỉnh
Trước đây, khi nói đến Ninh Hòa, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng chuyên canh lúa và mía. Thế nhưng hiện nay, Ninh Hòa đang trở thành một cực tăng trưởng công nghiệp (CN) của tỉnh với hạt nhân là khu vực nam Vân Phong. Giai đoạn 2015 - 2020, giá trị sản xuất CN của thị xã tăng bình quân 13,23%/năm. Một sự tăng trưởng ấn tượng, gần gấp đôi mức tăng trung bình của cả tỉnh (giá trị sản xuất CN của tỉnh tăng khoảng 7%/năm). Theo lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong, cả KKT thu hút được 158 dự án đầu tư (129 dự án trong nước và 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4,1 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 1,15 tỷ USD, đạt 29% vốn đăng ký. Trong đó, riêng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 94 dự án (52 dự án đã đi vào hoạt động; 42 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký khoảng 78.680,7 tỷ đồng (3,57 tỷ USD), vốn thực hiện khoảng 23.753,8 tỷ đồng (1,08 tỷ USD). Các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng gồm: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), Khu Công nghiệp Ninh Thủy (294 tỷ đồng), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỷ đồng). Trước đó, các dự án lớn như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Công ty TNHH đóng tàu Hyundai Việt Nam (250 triệu USD)... đã đi vào hoạt động.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong đánh giá, các dự án CN trên địa bàn thị xã Ninh Hòa với hạt nhân là khu vực nam Vân Phong đang thực sự khởi sắc. Với hàng loạt dự án đi vào hoạt động sẽ làm nền tảng để các nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Vân Phong. Đồng thời, nó tạo tiền đề để Ban Quản lý KKT Vân Phong nghiên cứu, tiếp cận một số dự án lớn có quy mô để tạo động lực phát triển kinh tế chung, phát huy hết tiềm năng sẵn có. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế đang bị ảnh hưởng mạnh từ dịch Covid-19, CN Ninh Hòa đang góp phần thúc đẩy kinh tế và thu hút đầu tư của cả tỉnh.
Còn nhiều tiềm năng
Bên cạnh những dự án đã có, hiện nay, CN Ninh Hòa vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Với các lợi thế sẵn có và hạt nhân là nam Vân Phong, CN Ninh Hòa đã có sự thay đổi rõ nét, phát triển phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Trong số dự án đang kêu gọi đầu tư, các dự án: Khu phát triển CN Ninh Tịnh (xã Ninh Phước) 550ha, Khu phức hợp CN Ninh Hải (phường Ninh Hải) 242ha, Khu CN Dốc Đá Trắng (xã Ninh Thọ) 300ha, Cụm CN Ninh Xuân (xã Ninh Xuân) 50ha được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho việc phát triển kinh tế địa phương.
Từ năm 2016 đến 2019, các dự án trong KKT Vân Phong đạt doanh thu khoảng 1,711 tỷ USD. Nộp ngân sách tỉnh khoảng 20.950 tỷ đồng, đóng góp bình quân 5.238 tỷ đồng/năm, phần lớn nguồn thu từ các dự án ở nam Vân Phong. |
Đặc biệt, vừa qua, nhiều tập đoàn lớn tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các dự án CN năng lượng có quy mô lớn như: Tập đoàn Petrolimex, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung và nhiều tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Mỹ đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư các tổ hợp điện khí hóa lỏng (LNG). Nếu các dự án điện LNG được chấp thuận, khu vực này sẽ thu hút hàng tỷ USD đầu tư. Chỉ tính riêng Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung và Tập đoàn Dầu khí Millenium (Hoa Kỳ) đã xin đầu tư 2 dự án điện khí, quy mô lên tới gần 19 tỷ USD. Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Petrolimex đánh giá: “Thị xã Ninh Hòa rất thuận lợi để thực hiện các dự án điện LNG. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi có nhiều dự án điện khí, song xét về điều kiện tự nhiên không thuận lợi bằng Khánh Hòa. Chỉ tính riêng việc làm cảng biển đã giảm chi phí hàng tỷ USD, bởi ở đây có mực nước sâu, không phải nạo vét, tạo luồng như các địa phương khác. Lãnh đạo tập đoàn đã đi khảo sát tất cả các khu vực dọc bờ biển Việt Nam nhưng chỉ có Vân Phong mới hội đủ yếu tố để làm điện khí. Nhờ thuận lợi về địa lý, khu vực này có thể tiếp nhận được tàu chở khí nặng 300.000 tấn. Đây là lợi thế không dễ gì các nơi khác có được”.
Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, cơ cấu kinh tế thị xã tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng CN - xây dựng, dịch vụ - du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản. Giá trị sản xuất ngành CN - xây dựng tăng bình quân hàng năm 13%, chiếm 72,18% trong cơ cấu kinh tế thị xã. Trong những năm tới, thị xã tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển toàn diện. Ưu tiên thu hút đầu tư các ngành CN, tạo động lực để phát triển CN phụ trợ, CN địa phương. Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đình Lâm