10:07, 31/07/2020

Khánh Vĩnh: Tập trung hình thành các vùng chuyên canh lớn

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Khánh Vĩnh định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với hình thức bán công nghiệp, công nghiệp. Trong trồng trọt, huyện sẽ tập trung hình thành các vùng chuyên canh lớn để phát huy lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Khánh Vĩnh định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với hình thức bán công nghiệp, công nghiệp. Trong trồng trọt, huyện sẽ tập trung hình thành các vùng chuyên canh lớn để phát huy lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên.


Giảm diện tích cây trồng kém hiệu quả


Giai đoạn 2018 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp bình quân trên địa bàn huyện chỉ đạt 4,05%/năm, đạt 81% so với kế hoạch (tăng hơn 5%/năm). Nguyên nhân do ảnh hưởng của bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, một số trang trại chăn nuôi phải đầu tư lại, diện tích cây ăn quả bị thiệt hại nặng nề nên giá trị thu nhập không đạt so với kế hoạch đề ra. Trong trồng trọt, do một số diện tích trồng bắp, mía, mì kém hiệu quả, người dân đã chuyển sang trồng keo và một số cây ăn quả nên tổng diện tích gieo trồng năm 2020 so với năm 2017 giảm 416ha, tương đương giảm 4,96%; diện tích gieo trồng lúa, bắp giảm 147ha, tương đương 5,69%; sản lượng lương thực có hạt tăng 100 tấn, tương đương 1,9%. Diện tích cây ăn quả toàn huyện đến cuối năm 2020 là 1.855ha, tăng 479ha so với năm 2017. Huyện đã phát triển cây trồng chủ lực bưởi da xanh, sầu riêng, mít, tập trung ở các xã: Khánh Đông, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Sông Cầu, Khánh Thành, Khánh Phú...

 

Bưởi da xanh là cây trồng chủ lực được phát triển tại nhiều xã của huyện Khánh Vĩnh.

Bưởi da xanh là cây trồng chủ lực được phát triển tại nhiều xã của huyện Khánh Vĩnh.


Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã có sự dịch chuyển lớn từ hình thức chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hình thức bán công nghiệp, công nghiệp. Tỷ lệ chăn nuôi nông hộ đã giảm dần, thay vào đó là các trang trại chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, các trang trại trên địa bàn huyện được hình thành gồm: 3 trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Nhật Minh, Công ty TNHH 30-4 tại xã Khánh Hiệp, Công ty TNHH Hương Liên tại xã Khánh Bình; 7 hộ nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Khánh Hòa; trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần Sản xuất nông nghiệp sạch tại xã Khánh Hiệp nuôi với quy mô lớn. Địa phương xác định vật nuôi chủ lực là bò, heo và gia cầm; số lượng tổng đàn năm 2020 đã tăng so với năm 2017, trong đó bò tăng 1.569 con, heo tăng 7.014 con...


Định hướng phát triển toàn diện

 

Một số mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025: Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân hơn 4,61%/năm; tổng diện tích gieo trồng 7.927ha (cây hàng năm 4.975ha, cây lâu năm 2.952ha); tổng sản lượng lương thực đạt 5.260 tấn (lúa 3.220 tấn, bắp 2.040 tấn); tổng đàn gia súc là 37.000 con (200 con trâu, 7.800 con bò, 29.000 con heo); ổn định độ che phủ rừng từ 77% trở lên...

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện định hướng phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng sản lượng và chất lượng, đạt hiệu quả và sử dụng tài nguyên hợp lý, phát triển toàn diện, đa canh cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Đồng thời, tập trung hình thành các vùng chuyên canh lớn các loại cây trồng, vật nuôi chiến lược như cây ăn quả đặc sản, mía, rừng nguyên liệu và chăn nuôi gia súc lớn như bò, heo...


Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện, để đạt được các tiêu chí, lĩnh vực trồng trọt sẽ phát triển sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng, thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt; ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến về giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật; định hướng phát triển cây trồng chủ lực để khai thác cao nhất điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong chăn nuôi, sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung; chú trọng cải tạo con giống, tăng tỷ trọng đàn bò lai nhằm tăng hiệu quả kinh tế, tạo bước đột phá về chất lượng. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh các xã có diện tích đồi núi, tổ chức trồng cỏ ở những nơi có điều kiện nước tưới, tạo nguồn thức ăn thô xanh chủ động; tận dụng vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng khuyến khích phát triển đa dạng các vật nuôi: Dê, nhím, ong mật...; kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Sông Cầu.


VĨNH THÀNH