Thời gian qua, các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng thương mại cho miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động thương mại ở các khu vực này vẫn còn khó khăn.
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có hạ tầng thương mại cho miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, hoạt động thương mại ở các khu vực này vẫn còn khó khăn.
Phát triển hệ thống thương mại
Xã đảo Cam Bình (TP. Cam Ranh) có 5.600 nhân khẩu, trong đó đảo Bình Ba có khoảng 3.800 người. Toàn xã chỉ có 1 chợ nằm trên đảo Bình Ba, diện tích hơn 200m2, họp vào buổi sáng với gần 30 tiểu thương buôn bán các mặt hàng: trái cây, rau củ, thực phẩm… Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, năm 2015, chợ Bình Ba được nâng cấp, sửa chữa với kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Tuy diện tích nhỏ nhưng nằm ở vị trí trung tâm khu dân cư nên chợ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân trên đảo Bình Ba. Ngoài ra, trên đảo còn có một số cửa hàng tạp hóa, phục vụ nhu cầu hàng tiêu dùng cho nhân dân.
Tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, số lượng chợ còn ít (Khánh Sơn 3 chợ, Khánh Vĩnh 4 chợ). Tuy nhiên, 2 huyện này có trung tâm dịch vụ thương mại với 14 cửa hàng (Khánh Sơn 6 cửa hàng, Khánh Vĩnh 8 cửa hàng) được phân bố tại các xã. Hàng năm, 2 trung tâm này cùng các cửa hàng thực hiện nhiệm vụ công ích, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu dịp lễ, Tết, đồng thời thu mua hàng nông sản cho người dân.
Những năm qua, các địa phương đã quan tâm đến công tác cải tạo, mở rộng, nâng cấp xây dựng mạng lưới chợ khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, giai đoạn 2015 - 2020, ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo có 2 chợ được xây dựng mới, 6 chợ được sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 19 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa 3,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2015 đến nay, đã có 22 hội chợ thương mại được tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố như: Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh… nhằm phát triển giao thương, tạo điều kiện tìm hiểu thị trường, mở rộng kênh phân phối và tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp; đồng thời là dịp để người dân tiếp cận với các loại sản phẩm. Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức Phiên chợ hàng Việt về nông thôn hàng năm tại các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với số lượng 2 phiên chợ/năm; xây dựng 2 mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị Co.opmart Nha Trang, Co.opmart Cam Ranh… cũng tích cực tổ chức các đợt bán hàng Việt lưu động tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Cần quan tâm hơn nữa
Theo đánh giá của Sở Công Thương, những năm qua, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng chợ ở miền múi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo còn hạn chế. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư phát triển chợ từ doanh nghiệp gặp khó khăn do dân số tại các xã miền núi, vùng sâu thưa thớt, phân tán, giao thông không thuận tiện, nhu cầu mua bán ít nên việc đầu tư không hiệu quả, khó thu hút nhà đầu tư. Hoạt động sản xuất của người dân ở các khu vực này còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ, phân tán nên khó khăn trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm. Một số chợ miền núi hoạt động không hiệu quả do vị trí xây dựng chợ chưa hợp lý, xa khu dân cư, sức mua của người dân thấp nên không thu hút tiểu thương tham gia buôn bán tại chợ, đơn cử như chợ Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa).
Bên cạnh đó, chính sách phát triển miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, thuộc nhiều bộ, ngành quản lý nên việc triển khai, phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ. Ngoài ra, trong Quyết định số 964 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền múi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020, Khánh Hòa có 5 địa phương thuộc danh mục ưu tiên gồm: Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Trường Sa. Quyết định này không có huyện miền núi Khánh Sơn, trong khi huyện Trường Sa không phù hợp để đầu tư phát triển hoạt động thương mại.
Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua, Sở Công Thương có báo cáo gửi Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ban hành chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, hải đảo theo hướng ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông, lâm sản. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm cấp kinh phí cho các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đặc biệt các đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; xây dựng các cơ chế, chính sách mới thu hút doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
MAI HOÀNG