10:04, 05/04/2020

Khánh Vĩnh: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trên nhiều lĩnh vực, từng bước chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp.

 

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trên nhiều lĩnh vực, từng bước chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp.


Đầu tư từ tháng 3-2017, những ngày qua, hơn 6ha bưởi trồng theo mô hình VietGap tại thôn Sơn Thành, xã Khánh Phú của ông Đặng Thái Luyện đã cho thành quả. Hơn 5.000 trái bưởi đạt tiêu chuẩn được xuất bán cho các siêu thị trên địa bàn TP. Nha Trang. Ông Luyện cho biết, nhờ có chứng nhận đạt chuẩn VietGap, ông không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Những cây bưởi được chăm bằng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu cũng dùng các chế phẩm sinh học, khi ra trái được bọc lại để hạn chế sâu bệnh xâm hại quả. Nhờ đó, trái bưởi luôn có ngoại hình đẹp, da bóng. “Việc trồng bưởi theo mô hình VietGap tuy có tốn nhiều công, chi phí đầu tư cao nhưng thành phẩm đầu ra tiêu thụ dễ hơn nhiều và giá thành cũng cao hơn bưởi được chăm sóc theo mô hình truyền thống”, ông Luyện chia sẻ.

 

ườn bưởi VietGap của ông Đặng Thái Luyện vừa xuất bán đợt đầu tiên sau hơn 3 năm đầu tư.

Vườn bưởi VietGap của ông Đặng Thái Luyện vừa xuất bán đợt đầu tiên sau hơn 3 năm đầu tư.


Mô hình bưởi VietGap là một trong những ứng dụng công nghệ sinh học được triển khai trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh trong những năm qua. Các loại cây trồng hàng năm, cây lâu năm, cây lâm nghiệp đã từng bước được ứng dụng công nghệ sinh học để lai tạo, tạo nguồn giống sạch bệnh, có năng suất cao. Đã có doanh nghiệp trên địa bàn huyện đầu tư ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất dưa lưới, cà chua... Từ năm 2014 đến 2016, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chủ trì thực hiện 3 đề tài cấp cơ sở và 1 dự án, gồm: xây dựng mô hình thâm canh cây keo lai giâm hom để cung cấp nguyên liệu; đánh giá hiệu quả kinh tế cây mít nghệ trên địa bàn huyện; xây dựng mô hình trồng cây dưa Cayennen trên địa bàn huyện; phát triển cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn chuyên môn, cơ quan chức năng huyện cũng tuyên truyền người dân sử dụng các chế phẩm sinh học tổng hợp, thuốc sinh học vào sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.


Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, thực hiện Chỉ thị số 50 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, địa phương cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực khác. Trong chăn nuôi, từ năm 2017 đến năm 2019, trên địa bàn huyện đã triển khai chương trình phối giống nhân tạo bò, chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi ở nông hộ với tổng số lượng 639 con, góp phần cải tạo chất lượng đàn bò, giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về hiệu quả của công tác lai tạo giống. Ngoài ra, tại trang trại chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Khánh Hòa và một số trang trại của hộ dân đã bổ sung thêm các sản phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi như: đá liếm, rơm ủ ure... nhằm cung cấp năng lượng, muối khoáng, vitamin, canxi cần thiết cho gia súc. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, địa phương dùng chế phẩm sinh học xử lý mùi tại các bãi rác và các chợ như: chợ Sông Cầu, Khánh Đông, Khánh Bình, Liên Sang, thị trấn Khánh Vĩnh; bãi rác các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Trung, Sông Cầu...


Bà Mến cho biết, công nghệ sinh học đã có đóng góp lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, rõ nét nhất là nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông, lâm sản; đảm bảo an ninh lương thực, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đảm bảo môi trường sống... “Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực, huyện đề nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa trong chuyển giao những ứng dụng khoa học công nghệ cho địa phương, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp; có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác kỹ thuật, khoa học công nghệ, công nghệ sinh học. Từ đó, góp phần nâng cao tính ứng dụng, khả năng tuyên truyền cho người dân để công nghệ sinh học ngày càng đi vào đời sống sản xuất của người dân”, bà Mến nói.


V.THÀNH