Năm 2019, trong nhiều thời điểm, dịch bệnh bùng phát trên đàn heo, nắng hạn thiêu đốt cây lúa, mía…, người nông dân trải qua không ít khó khăn. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa vẫn khép lại 1 năm với những tín hiệu tích cực.
Năm 2019, trong nhiều thời điểm, dịch bệnh bùng phát trên đàn heo, nắng hạn thiêu đốt cây lúa, mía…, người nông dân trải qua không ít khó khăn. Tuy vậy, ngành Nông nghiệp Khánh Hòa vẫn khép lại 1 năm với những tín hiệu tích cực.
Nhiều khó khăn
Năm 2019, nông nghiệp Khánh Hòa trải qua không ít khó khăn. Tháng 3, khi vụ xoài bước vào thu hoạch, giá liên tục giảm. Xoài Úc loại ngon lúc cao giá nhất cũng chỉ đến mức 45.000 đồng/kg (nhưng xoài loại 1 chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng của loại này). Còn xoài Úc loại 2 chỉ khoảng 20 - 25 nghìn đồng/kg. Một số giống xoài khác phổ biến từ 5 - 10 nghìn đồng/kg, thấp hơn khá nhiều so với trung bình năm trước. Không những vậy, do sâu bệnh, thời tiết bất lợi, năng suất xoài năm 2019 cũng giảm so với năm trước.
Tháng 4-2029, khi một số mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi trên đàn heo của người chăn nuôi xuất hiện ở xã Diên Điền (huyện Diên Khánh), không lâu sau, dịch bệnh nguy hiểm này đã từng bước lan ra các địa bàn: Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Nha Trang, Cam Ranh. Đỉnh điểm của dịch xảy ra vào cuối tháng 9 và tháng 10-2019. Thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2019, dịch tả heo châu Phi đã khiến hơn 13.600 con heo với tổng khối lượng gần 760 tấn phải tiêu hủy.
Tháng 7-2019, đến lượt những người nuôi trồng hải sản đối mặt với cơn bão rớt giá được xem là nặng nề nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, những người nuôi tôm hùm xanh ở TP. Cam Ranh phải chứng kiến cảnh tôm chết hàng loạt, thiệt hại tới 50% vì dịch bệnh. Đến khi xuất bán, giá tôm cũng chạm đáy, chưa đầy 600.000 đồng/kg, mất nửa giá so với những vụ tôm trước. Người nuôi tôm chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép. Chưa kể con đường tiểu ngạch xuất khẩu hải sản qua nước khác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc nuôi trồng thủy sản.
Với những người trồng mía đường, năm 2019 cũng chưa có tín hiệu tích cực hơn so với năm 2018. Mía mất mùa, giá thu mua giảm, tiền bán mía hầu hết không đủ bù chi phí. Nhiều người dân đã “bỏ thí” cây mía theo kiểu được chừng nào hay chừng ấy thay vì đầu tư phân bón, tưới tiêu, chăm sóc như mọi năm.
Tín hiệu tích cực
Bên cạnh những khó khăn, năm 2019, ngành Nông nghiệp tỉnh ghi nhận một số thành tựu. Nông dân toàn tỉnh chuyển đổi được 653ha cây trồng. Trong đó có 209ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang các cây trồng hàng năm khác như: khoai, mì, đậu, hẹ... Còn lại 444ha diện tích đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả chuyển sang trồng cây ăn trái. Bưởi da xanh, sầu riêng, dừa xiêm... là những loại cây được nông dân ưu tiên chọn lựa khi chuyển đổi.
Gắn với những cây trồng mới là sự đổi thay ở cách nghĩ, cách làm, cách tiếp cận với nông nghiệp của người nông dân để từng bước làm ra những nông sản mà thị trường cần, thay vì chỉ làm ra những thứ mình có như trước. Song hành với sự nỗ lực của người nông dân còn là những chính sách ngày một gần gũi, dễ thực hiện, dễ đi vào đời sống hơn mà nòng cốt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn.
Bên cạnh chuyển đổi cây trồng, năm qua, thêm 3 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn được chứng nhận gồm: chuỗi cung cấp thịt heo sạch, chuỗi cung cấp thịt gà sạch và chuỗi cung cấp xoài sạch. Cả 3 sản phẩm này đều đã hình thành được chuỗi an toàn bao gồm sản xuất theo VietGAP, chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được đưa ra thị trường dưới kênh phân phối hiện đại. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 7 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, gồm: thịt heo, thịt gà, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, tỏi sẻ và rau sạch.
Năm qua, ở Khánh Vĩnh xuất hiện một trang trại chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản có tổng đàn ban đầu lên tới 1.100 con được chăm sóc theo quy trình hiện đại, khép kín. Trang trại này rộng tới 162ha còn mở ra nhiều hứa hẹn trong việc tạo công ăn việc làm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Cũng liên quan đến chăn nuôi, năm qua, tuy dịch bệnh hoành hành trên đàn heo, nhưng tổng đàn heo trên toàn tỉnh vẫn đạt 285.000 con vào cuối năm 2019, tăng 8,5% so với năm trước. Sản lượng thịt heo hơi đạt tới 7.200 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại tăng lên cả về số lượng trại và mật độ nuôi trong mỗi trại.
Về lĩnh vực thủy hải sản, sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt hơn 97,7 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 11,3 nghìn tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản trong năm 2019 đạt 620 triệu USD, tăng 8,26% so với năm 2018.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát huy kết quả đạt được, trong năm 2020, sở tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị đồng hành với người nông dân trong quá trình đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; xây dựng kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất mới, hiệu quả; phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp và hợp tác xã. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình trọng tâm như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn; đề án phát triển kinh tế hợp tác... Triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến, từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng bình quân tổng sản phẩm khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt hơn 2%; 58/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ số xã nông thôn mới đạt 61,7%...
Hồng Đăng