Năm 2019, tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Thủy sản tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 620 triệu USD. Năm nay, ngành Thủy sản tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ ngư dân, ưu tiên tập trung khai thác hướng ra khơi xa.
Năm 2019, tuy phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Thủy sản tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 620 triệu USD. Năm nay, ngành Thủy sản tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ ngư dân, ưu tiên tập trung khai thác hướng ra khơi xa.
Nỗ lực vượt khó
Ngư dân Nguyễn Thành Hoan (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết: “Khó khăn lớn nhất ngư dân chúng tôi gặp phải là nguồn lợi thủy sản suy giảm, lực lượng lao động thiếu hụt, cùng với đó chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao, trong khi giá thu mua thủy sản không tăng… Những điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác của ngư dân. Rất nhiều tàu cá thua lỗ, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Như tàu cá của gia đình tôi, đi 10 chuyến lỗ hết 5 - 6 chuyến, có chuyến chi phí lên đến hơn 150 triệu đồng nhưng khai thác chỉ được 7 con cá ngừ đại dương, chưa đến 400kg, với giá bán 115.000 đồng/kg, tôi lỗ cả trăm triệu đồng”.
Trong khi đó, tác động “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đã khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Thịnh Hưng (Khu Công nghiệp Suối Dầu), các lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU bị giữ lại kiểm tra rất kỹ, phát sinh chi phí, tổn thất lớn đối với doanh nghiệp. Để khắc phục, nhiều doanh nghiệp phải thắt chặt việc thu mua, những lô hàng không rõ nguồn gốc chắc chắn sẽ từ chối thu mua, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của ngư dân.
Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, năm 2019, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản và nỗ lực của cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, ngành Thủy sản tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác được 97.700 tấn, tăng 0,5% so với năm 2018; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 11.300 tấn, tăng 14,6% so với năm trước. Đặc biệt, tuy “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu thủy sản nhưng lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 620 triệu USD, tăng 8,2% so với năm trước.
Hướng ra khơi xa
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có 9.791 tàu cá, trong đó 814 tàu có chiều dài từ 15m trở lên; số tàu cá có công suất nhỏ chuyên khai thác vùng ven bờ, đầm, vịnh còn rất nhiều, một số tàu khai thác không phù hợp với quy định pháp luật, sử dụng các công cụ cấm như: giã cào, cào sò, xiết điện... mang tính hủy diệt khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ suy giảm.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, thời gian qua, chi cục đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện 860 đợt tuần tra, kiểm tra trên các vùng biển thuộc quản lý của tỉnh. Qua đó, phát hiện, xử lý 95 trường hợp vi phạm, tịch thu 81 tang vật vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính các đối tượng 245 triệu đồng. Năm 2020, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này để tiến tới loại bỏ các hoạt động vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, bảo vệ nguồn lợi ven bờ.
Đối với chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), Chi cục Thủy sản sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện Luật Thủy sản, các quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến khai thác IUU; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng ngư dân về khai thác thủy sản phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi. Cùng với đó, chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, sản lượng thủy sản cập bến; xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU trên các vùng biển quản lý của tỉnh; lập danh sách, theo dõi, quản lý chặt chẽ các tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa, triển khai việc lặp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Đối với những khó khăn của các chuỗi liên kết trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản thời gian qua, ngành thủy sản sẽ tham mưu chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết nhằm giúp doanh nghiệp chế biến và ngư dân ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể, chi cục đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tỉnh chính sách cho những thành viên tham gia chuỗi liên kết theo hướng hỗ trợ về giá thu mua từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg cá giao dịch; hỗ trợ phí ra vào cảng, chi phí mua sắm thiết bị cho tàu cá; hỗ trợ chi phí quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp tham gia chuỗi…
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, năm nay, nhiệm vụ trọng tâm của ngành là tiếp tục xây dựng và phát triển nghề cá tỉnh theo hướng hiện đại hướng đến khai thác xa bờ; đồng thời đẩy mạnh việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định để xây dựng nghề cá phát triển bền vững và trách nhiệm. Trọng tâm của kế hoạch này là ngành sẽ tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển nghề khai thác viễn dương. Để đưa ngành khai thác hướng ra khơi xa, ngành kiến nghị một số vấn đề như: Tăng số chuyến biển được hỗ trợ cho ngư dân theo chính sách của Nghị định 48; phân định ranh giới trên biển để giảm thiểu tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; có chính sách hỗ trợ thêm chi phí mua sắm, sử dụng trang thiết bị trên tàu cá cho ngư dân.
HẢI LĂNG