Không có nhiều điều kiện tối ưu, nhưng người dân và chính quyền xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã nỗ lực vươn lên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập - tiêu chí cốt lõi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Không có nhiều điều kiện tối ưu, nhưng người dân và chính quyền xã Vạn Phú (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã nỗ lực vươn lên trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập - tiêu chí cốt lõi trong Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
không có điều kiện thuận lợi
Diện tích tự nhiên của xã Vạn Phú không quá lớn, chỉ khoảng 6.700ha; 3/4 đất đai của xã là đất đồi núi, lâm nghiệp. Gần 10 năm trước, khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bắt đầu triển khai, xã Vạn Phú cũng như hầu hết các xã khác ở Vạn Ninh vẫn là một xã thuần nông. Gần như toàn bộ thu nhập của người dân trong xã phụ thuộc vào trồng lúa, nuôi gà, bò. Khu vực đồng bằng của xã chỉ có vỏn vẹn hơn 700ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn là đất trồng lúa. Với phương thức canh tác còn mang nặng tính truyền thống, tỷ lệ hộ dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế, cây lúa lúc bấy giờ vẫn chỉ giúp người dân đủ ăn, chưa thể nghĩ đến chuyện làm giàu.
Vạn Phú cũng không giáp biển nên nguồn thu nhập của người dân không thể đa dạng bằng các xã có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Còn từ phía núi, xã không có các mỏ khai thác đá granite như ở Vạn Thắng, Vạn Phước mà chủ yếu là rẫy tạp, trồng keo, bạch đàn… Về chăn nuôi, xã chưa có các trang trại, gia trại quy mô vừa trở lên. Các hộ nuôi bò, heo cũng chỉ ở mức nhỏ lẻ.
Thay đổi cách làm để nâng cao thu nhập
Với xuất phát điểm khá thấp, lại là xã thuần nông, nhưng với định hướng đúng cùng sự nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, năm 2018, Vạn Phú đã chính thức trở thành xã NTM. 1 năm sau, người dân và chính quyền xã được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích “hoàn thành nổi bật về tiêu chí thu nhập”.
Tính riêng về cây lúa, trong 8 năm xây dựng NTM, tại Vạn Phú đã hình thành và phát triển được 3 hợp tác xã (HTX). Cả 3 HTX đều chăm nom vào cây lúa để biến nơi đây thành vùng sản xuất lúa kiểu mẫu. Các HTX đứng ra cáng đáng hầu hết dịch vụ chính như: làm đất, thu hoạch và thủy nông. Các HTX này phát triển mạnh và dần mở rộng quy mô cũng như địa bàn hoạt động. Việc cung cấp dịch vụ không chỉ bó hẹp trong địa bàn xã, mà lan ra toàn huyện, thậm chí vươn đến tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk... Chưa hết, các HTX này cũng là cầu nối để hạt lúa Vạn Phú trở thành hàng hóa đúng nghĩa khi người dân sản xuất theo đơn đặt hàng lúa giống từ các doanh nghiệp. Rồi việc thay đổi cơ cấu giống, áp dụng quy trình sản xuất đồng loạt, tận dụng triệt để cơ giới vào các khâu… đã đưa năng suất lúa của Vạn Phú lên hơn 70 tạ/ha, dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất và giá trị. Ngoài cây lúa mỗi năm 2 vụ, người dân nơi đây còn phát triển hoa màu như: đậu phụng, bắp, khoai sáp… để cải thiện thu nhập.
Đối với đất trồng cây lâu năm, diện tích trồng rẫy tạp, vườn đồi của Vạn Phú không nhiều. Nhưng ngoài gần 500ha điều đang cho thu nhập khá ổn định, những năm gần đây, người dân trong xã còn mạnh dạn chuyển đổi từ vườn rẫy tạp sang trồng dừa xiêm, bưởi và mít. Theo ông Đinh Văn Hiệp - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Phú, tính riêng trong năm 2019, đã có 22ha cây ăn quả được trồng mới, hứa hẹn cải thiện hơn nữa thu nhập cho người dân. Ở các lĩnh vực khác, nhiều mô hình kinh tế đang mang về thu nhập tốt cho người dân như: Cơ sở sản xuất chả cá Thuận đã trở thành thương hiệu được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến; mô hình nuôi kỳ tôm, nuôi lươn không bùn… cũng giúp người dân tăng thu nhập đáng kể.
Ông Nguyễn Như Thiết - Chủ tịch UBND xã Vạn Phú cho biết, điều đáng mừng là bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, giúp cho bộ mặt nông thôn ở Vạn Phú ngày càng khởi sắc, những năm qua, cùng với chính quyền địa phương, người dân trong xã đã tích cực, đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế. Năm 2018, xã đã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân của người dân đạt 36,85 triệu đồng/người/năm (theo quy định là 35 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,77%. Toàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Các vấn đề về môi trường, an ninh… luôn được giữ vững. Trên cơ sở kết quả đạt được, trong những năm tới, xã phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hồng Đăng