09:06, 27/06/2019

Gỡ khó để phát triển lưới điện

Sáng 27-6, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì làm việc với đại diện UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc phát triển lưới điện.
 

Sáng 27-6, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa chủ trì làm việc với đại diện UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc phát triển lưới điện.
 
Nhiều khó khăn
 
Theo báo cáo của PC Khánh Hòa, hiện nay, ngành Điện gặp nhiều khó khăn khi phát triển lưới điện. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng ngàn kilomet đường dây điện trung thế, hạ thế đi qua đất của người dân ở khu vực nông thôn. Người dân ở nhiều địa phương đã yêu cầu điện lực di dời đường dây ra khỏi đất của gia đình họ. UBND tỉnh cũng đã họp về vấn đề này và giao cho PC Khánh Hòa thống kê, dự trù kinh phí. Tuy nhiên, qua khái toán, PC Khánh Hòa nhận thấy để di dời được phải cần 226,54 tỷ đồng. Với mức đầu tư lớn như vậy, PC Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh có sự hỗ trợ hợp lý để ngành Điện sớm di dời các đường dây ra khỏi đất của người dân. 

 

Phát triển lưới điện gặp nhiều khó khăn.
Phát triển lưới điện gặp nhiều khó khăn.
 
Ông Nguyễn Cao Ký - Tổng Giám đốc PC Khánh Hòa cho biết, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đang rất nhanh, chỉ riêng năm 2018 mức tăng trưởng đã hơn 15%. Tất cả các trạm biến áp đều quá tải, nếu không nâng cấp sẽ ảnh hưởng đến việc cấp điện. Song, khi xây dựng trạm biến áp và đường dây lại vướng quy hoạch nên chưa được cấp phép xây dựng; hoặc một số khu vực khi thi công không thể hạ ngầm được vì quản lý đô thị không cho đào đường. Do đó, đề nghị các địa phương xem xét điều chỉnh các quy hoạch phù hợp; đồng thời hàng năm, nếu có những điều chỉnh quy hoạch đô thị cần cung cấp thông tin để PC Khánh Hòa có hướng điều chỉnh kịp thời. Đối với các khu vực phải hạ ngầm dây điện, các địa phương cần nghiên cứu, có sự linh động để tạo điều kiện cho đơn vị thi công. 
 
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh đòi hỏi ngành Điện phải liên tục đầu tư các đường dây và trạm biến áp đủ công suất. Tuy nhiên, quỹ đất và vốn là 2 vấn đề rất nan giải. Ông Nguyễn Cao Ký cho biết, mỗi năm, PC Khánh Hòa phải đầu tư từ 400 đến 600 tỷ đồng để phát triển lưới điện. Ngoài nguồn vốn sẵn có, PC Khánh Hòa phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Để có thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện của địa phương, đề nghị tỉnh cho ngành Điện vay vốn từ quỹ đầu tư của tỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính. Đồng thời, cấp đất để xây dựng trạm biến áp và đường dây 110kV đủ năng lực cấp điện cho các khu vực: Bãi Dài, Khánh Vĩnh, Vạn Ninh.
 
Riêng đối với chủ trương ngầm hóa toàn bộ đường dây điện tại TP. Nha Trang, PC Khánh Hòa khẳng định rất khó thực hiện do kinh phí đầu tư quá lớn. Vì vậy, đơn vị đề nghị UBND tỉnh và TP. Nha Trang xem xét việc chỉ thực hiện ngầm đối với các khu đô thị mới, các dự án mới. Đối với lưới điện hiện trạng, nên bó lại cáp viễn thông hiện có để đảm bảo mỹ quan đô thị.
 
Giải quyết từng phần
 
Qua những phản ánh và kiến nghị của PC Khánh Hòa, các ban, ngành của tỉnh và các địa phương đã đưa ra nhiều giải đáp. Trong đó, vấn đề di dời lưới điện ở nông thôn được khá nhiều ban, ngành quan tâm. Ông Ngô Xuân Quản - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định, để di dời được phải hết hàng trăm tỷ đồng. Trước đây, phủ lưới điện nông thôn đã khó, bây giờ giải quyết vấn đề này còn khó hơn rất nhiều. Song, yêu cầu của người dân là chính đáng và phù hợp nên cần tìm cách giải quyết hợp tình, hợp lý và phải giải quyết từng phần. Cùng quan điểm, đại diện UBND huyện Cam Lâm cho rằng để di dời được lưới điện ở nông thôn phải mất rất nhiều năm, không thể làm ngay được. Trước mắt, ngành Điện cần tăng cường việc phát quang để đảm bảo an toàn cho hành lang tuyến.
 
Bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương xác định, việc xây dựng lưới điện mới thực sự rất nhiều vướng mắc, đặc biệt tại các khu đô thị. Do đó, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ chung vì điện năng là mặt hàng đặc biệt, một mình Sở Công Thương không giải quyết được. Việc cấp phép xây dựng trạm biến áp, lưới điện, các địa phương cần xem xét, giải quyết linh động. Về phía PC Khánh Hòa, khi xây dựng phụ tải cần có kế hoạch sớm, khảo sát các vị trí đặt trạm cụ thể để các địa phương có phương án hỗ trợ kịp thời. 
 
Ông Ngô Xuân Quản cho rằng, trong việc cấp đất, cần có cơ chế để tạo điều kiện cho PC Khánh Hòa. Các địa phương phải hỗ trợ cho điện lực trong việc xây dựng phát triển lưới điện, nhưng điện lực nên có kế hoạch sớm. 
 
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Xuân Thân đánh giá, việc di dời lưới điện ở nông thôn rất khó, đặc biệt với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay. Do đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị chỉ di dời những công trình điện thiếu an toàn, các công trình an toàn vẫn để tồn tại bình thường, bởi điều này các văn bản pháp luật đã cho phép. Vấn đề ngầm hóa dây điện tại TP. Nha Trang cũng chỉ làm ở những nơi bức thiết vì tốn quá nhiều kinh phí. Đối với vấn đề xin cấp đất và vốn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận và kiến nghị UBND tỉnh cũng như HĐND tỉnh hỗ trợ cho điện lực. Phía công ty cần sớm khảo sát và kiến nghị đến cấp có thẩm quyền; đồng thời có trách nhiệm phối hợp với các địa phương, sở, ngành trong đầu tư xây dựng, cấp phép. Toàn bộ các nội dung mà PC Khánh Hòa kiến nghị sẽ được đoàn chuyển cho UBND tỉnh và các sở, ngành giải quyết. 
 
ĐÌNH LÂM