10:04, 11/04/2019

Xã Ninh Tây: Khó khăn trong chuyển đổi cây trồng

Những năm gần đây, một số hộ trên địa bàn xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) đã chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng cây ăn quả, mở ra hướng đi mới. Tuy nhiên, việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã còn khó khăn.

Những năm gần đây, một số hộ trên địa bàn xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) đã chuyển đổi diện tích trồng mía sang trồng cây ăn quả, mở ra hướng đi mới. Tuy nhiên, việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã còn khó khăn.


Gia đình ông Ngô Sáu (thôn Suối Mít, xã Ninh Tây) có 70ha đất nông nghiệp, trước đây chủ yếu trồng cây mía. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây mía cho thu nhập bấp bênh, có vụ thu không đủ bù chi. Cách đây 4 năm, qua tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan một số mô hình kinh tế trên địa bàn tỉnh, ông Sáu vay vốn ngân hàng đầu tư chuyển 40ha đất trồng mía sang trồng keo. Cùng với đó, ông chuyển 3ha đất ở khu vực gần suối sang trồng 700 gốc bưởi da xanh, 200 cây dừa, sapôchê, bơ, mít Thái và chăn nuôi bò, gà thả vườn… Tổng kinh phí đầu tư khoảng 700 triệu đồng. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch, vườn keo phát triển khá tốt. Theo tính toán của ông Sáu, trung bình mỗi năm có khoảng 500 cây bưởi cho thu hoạch, thu về hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, hiện nay, cây sapôchê, mít và dừa cũng bắt đầu cho quả. “Sau 4 năm chăm sóc, hiện nay, nhìn thành quả lao động, tôi thấy quyết định chuyển đổi cây trồng của mình là đúng. Ở Ninh Tây phần lớn các hộ trồng mía đều thua lỗ nhưng vì một phần không có vốn để chuyển đổi cây trồng khác, một phần hạn chế về nguồn nước tưới nên các hộ phải bám vào cây mía. Với kinh nghiệm rút ra được sau 4 năm chuyển đổi cây trồng, tôi sẵn sàng hướng dẫn, giúp đỡ nông dân trên địa bàn để cùng nhau phát triển, nâng cao thu nhập”, ông Sáu nói.
Theo ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, trên địa bàn xã có hơn 2.300ha đất trồng mía, nhưng hiện nay diện tích giảm xuống còn gần 2.000ha. Hiện nay, mía được Nhà máy đường Cam Ranh thu mua với giá 720.000 đồng/tấn, Nhà máy đường Ninh Hòa 695.000 đồng/tấn loại 10CCS (chữ đường), công lao động 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày…, trừ chi phí người trồng mía không có lãi, thậm chí nhiều hộ còn bị lỗ. Vì vậy, một số diện tích đã được người dân chuyển qua trồng cây keo, cây ăn quả. Cụ thể, trên địa bàn xã đã có hơn 20ha của 10 hộ chuyển đổi từ trồng mía sang trồng cây ăn quả, chủ yếu là các hộ có diện tích đất gần suối, thuận tiện nguồn nước tưới. Hiện nay, cây phát triển khá tốt, bắt đầu cho quả, một số hộ đã có thu nhập.

 

Những cây bưởi da xanh tại vườn ông Sáu bắt đầu cho quả.

Những cây bưởi da xanh tại vườn ông Sáu bắt đầu cho quả.


Năm 2019, thực hiện Quyết định 1609 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, trên địa bàn xã có 4 hộ đăng ký chuyển đổi trồng mía sang trồng cây ăn quả với diện tích 23,7ha.


Ông Tuyên cho biết, tuy cây mía hiện nay không mang lại thu nhập ổn định cho người dân nhưng địa phương  không có gì đảm bảo để vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Sau khi có chính sách của tỉnh, địa phương tiến hành niêm yết công khai và tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết. Tuy vậy, việc hướng người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây lâu năm có giá trị kinh tế cao còn gặp nhiều khó khăn. Bởi Ninh Tây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế còn khó khăn, lâu nay, người dân chỉ trồng cây ngắn ngày, cho thu nhập ngay… Chưa kể, điều kiện để được hỗ trợ theo quy định của tỉnh còn hạn chế nên người dân không mấy mặn mà. Cụ thể, theo Quyết định 1609 của UBND tỉnh, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi hoặc liên kết chuyển đổi cây trồng theo kế hoạch được duyệt với quy mô vùng chuyển đổi từ 2ha trở lên đối với cây hàng năm và 5ha trở lên đối với cây lâu năm. Mức hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, trồng các loại cây ăn quả một thời gian dài mới cho thu hoạch, vốn đầu tư cao, chưa kể còn phụ thuộc nước tưới, điều kiện thổ nhưỡng, đầu ra cho sản phẩm… nên người dân còn e ngại.


CẨM VÂN