Sau 6 năm chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân, chợ Dinh Ninh Hòa đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong việc thu ngân sách, đầu tư hạ tầng và phòng cháy chữa cháy...
Sau 6 năm chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân, chợ Dinh Ninh Hòa đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong việc thu ngân sách, đầu tư hạ tầng và phòng cháy chữa cháy...
Tập trung đầu tư hạ tầng
Năm 2013, chợ Dinh được chuyển cho Công ty TNHH một thành viên Đại An quản lý. Đến nay, công tác quản lý chợ đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, chợ có hơn 800 điểm kinh doanh, trong đó có 200 điểm cố định và hơn 600 điểm không cố định. Mỗi năm, chợ nộp ngân sách thị xã hơn 460 triệu đồng. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý chợ còn tự bỏ chi phí sửa chữa hạ tầng chợ từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Đặc điểm của chợ Dinh là khu A (chợ Dinh cũ) và khu B (chợ Dinh mới) nằm cách xa nhau, ở giữa là lối đi đã quy hoạch thành khu C của chợ. Trước đây, lối đi này thường xuyên bị các hộ tiểu thương lấn chiếm buôn bán, hàng hóa tập trung với khối lượng nhiều, đa số là những mặt hàng dễ cháy, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, hành lang phòng cháy chữa cháy. Sau khi tiếp quản, công ty đã sắp xếp quy hoạch lại, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang với 90 lô sạp, mái che được làm kiên cố với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty bố trí lại các mặt hàng theo nhóm ngành, hàng, khoảng cách chống cháy lây lan được bảo đảm, tình trạng lấn chiếm lối đi bày bán hàng hóa đã được hạn chế đáng kể. Bà Nguyễn Thị Phương Lan - tiểu thương bán hàng thờ cúng tại chợ cho biết: “Từ ngày cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, lối đi thoáng đãng, các hộ tiểu thương phần nào nâng cao ý thức khi bày bán hàng hóa, đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ nên ngồi bán cũng yên tâm hơn”.
Ông Phan Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại An cho biết, từ khi tiếp quản, công ty đã tiến hành sửa chữa hệ thống điện. Đến nay, 80% hệ thống điện trong chợ đã được thay mới. Ngoài ra, đầu tháng 3 vừa qua, UBND thị xã Ninh Hòa đã tiến hành đầu tư thay mới các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phòng cháy chữa cháy trong chợ với tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, chợ đã lắp thiết bị báo cháy tự động, đường ống nước và 3 máy bơm mới.
Cần sự hỗ trợ
Theo đại diện công ty, tại tầng 2 của chợ Dinh có 55 hộ tiểu thương buôn bán ngành hàng quần áo, vải. Nhưng do tình hình buôn bán ế ẩm nên hiện chỉ có 30 hộ hoạt động, các hộ còn lại đã chuyển thành kho dự trữ hàng hóa. Công ty đã thực hiện giảm 50% phí chợ cho các tiểu thương này; đồng thời đề nghị ngành Thuế không tăng thêm tiền thuế mỗi năm. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có phương án hỗ trợ hoặc quy hoạch ngành nghề phù hợp cho khu vực tầng 2.
Theo hợp đồng mới từ năm 2018, giá đấu thầu chợ là 462 triệu đồng/năm, thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, những khoản chi phí cố định trong công tác quản lý chợ tăng cao nên vừa qua, công ty đã kiến nghị thị xã xem xét giảm giá gói thầu. Cụ thể, trước đây, tiền rác thanh toán theo hợp đồng vận chuyển, thu gom và xử lý rác cho Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa là 390 triệu đồng/năm, nhưng từ năm 2019 đã tăng lên 470 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tiền lương cho nhân viên công ty cũng tăng hàng năm. Hiện nay, công ty có 22 nhân viên, với mức tăng lương khoảng 7 - 8%/người/năm cũng gây áp lực lớn cho chi phí cố định trong gói thầu.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Sau 6 năm hoạt động theo mô hình mới, ban quản lý chợ đã sắp xếp lại lô sạp gọn gàng, khoa học hơn, việc bày bán hàng hóa chiếm lối đi đã được hạn chế, lưu thông trong chợ trở nên thông thoáng, nhất là khu C. Tình trạng người đi chợ đậu xe lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông trước khu vực chợ đã được hạn chế đáng kể. Công tác phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện đã được đầu tư đầy đủ. Thời gian qua, những kiến nghị của ban quản lý chợ cũng được lãnh đạo thị xã quan tâm, xem xét giải quyết kịp thời để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định”.
VÂN DUNG