09:04, 04/04/2019

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tăng trưởng khá

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng trưởng khá, đạt hơn 432 tỷ đồng/năm. 

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng trưởng khá, đạt hơn 432 tỷ đồng/năm. Với thế mạnh và tiềm năng sẵn có, thời gian tới huyện sẽ chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này với mục tiêu đến năm 2020 đạt hơn 784 tỷ đồng/năm.


Những kết quả tích cực


Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, năm 2016, huyện đã chủ động xây dựng chương trình phát triển CN-TTCN với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng đầu tư, hỗ trợ kinh phí, khuyến khích và tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tập trung phát triển có chiều sâu. Nhờ đó, đến nay giá trị sản xuất CN-TTCN toàn huyện đạt hơn 432 tỷ đồng, tăng 22,5% so với năm 2016. Hiện toàn huyện có 65 DN hoạt động khai khoáng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các DN này đã đầu tư hơn 140 tỷ đồng để mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ khai thác, sản xuất theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao chất lượng, năng suất. Đến nay, riêng hoạt động khai thác đá chẻ đạt hơn 12.890 triệu viên, tăng 16,7%; chế biến đá dăm đạt hơn 255.990m3, tăng 18,8% so với năm 2016.

 

Sản xuất chả cá là một trong những sản phẩm chủ lực  của huyện Vạn Ninh.

Sản xuất chả cá là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện Vạn Ninh.


Bên cạnh đó, ở các ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, huyện còn tập trung đầu tư, phát triển những sản phẩm chủ lực như: nước mắm, chả cá, hạt điều, nước tinh khiết, gỗ chế biến và hàng thủ công mỹ nghệ... 237 cơ sở sản xuất ở các ngành này đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Đến nay, hoạt động chế biến lương thực đạt gần 55 tấn, tăng 0,85% so với năm 2016; nước mắm đạt hơn 1.952 triệu lít, tăng 16,52% so với năm 2016; chả cá đạt hơn 18 tấn.


Ngành cơ khí cũng phát triển khá mạnh. Hơn 100 cơ sở đã đầu tư hơn 125 tỷ đồng nâng cấp nhà xưởng, ứng dụng công nghệ, máy móc hiện đại vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất gỗ dân dụng, mỹ nghệ, song mây xuất khẩu cũng được chú trọng đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã phát triển hơn 200 cơ sở sản xuất các ngành này.


Sự phát triển của CN-TTCN đã và đang tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Có được kết quả đó còn nhờ huyện đã mở gần 100 lớp đào tạo lao động, hướng dẫn, hỗ trợ DN, cơ sở ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Cùng với đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống như: làm gốm, soi trầm...


Chú trọng đầu tư


Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chủ yếu là công nghiệp và dịch vụ. Do vậy, thời gian tới huyện sẽ chú trọng đầu tư phát triển CN-TTCN theo hướng tăng dần hàm lượng công nghệ và chất xám. Giai đoạn 2019 - 2020, huyện sẽ đầu tư hơn 4,9 tỷ đồng để hỗ trợ các DN tìm kiếm thị trường, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm...


Mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất CN-TTCN huyện đạt hơn 784,8 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 17,3%/năm; định hướng đến năm 2025 đạt 1.952 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 20%/năm. Để đạt được mục tiêu đó, hiện nay huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng ngành. Theo đó, tập trung khai thác, chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: gạch tuynel, đá granite…; đầu tư có chiều sâu cho các DN khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm nguyên vật liệu. Đồng thời, tiến hành quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; phát triển các nhà máy có quy mô phù hợp với điều kiện phát triển vùng nguyên liệu của địa phương, chế biến gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cấp các DN hoạt động ở lĩnh vực cơ khí, điện tử. Qua đó áp dụng công nghệ mới trong đóng tàu, làm bè thủy sản bằng vật liệu mới, thay thế gỗ để hạn chế tình trạng phá rừng…


Ông Võ Lục Phẩm cho hay: “Hiện nay, Khu Công nghiệp Vạn Thắng với tổng diện tích hơn 200ha của huyện đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Đây sẽ là nơi tập trung phát triển các ngành: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, lắp ráp ô tô. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong đã lập đề án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu sản xuất công nghiệp tập trung Dốc Đá Trắng có diện tích hơn 300ha. Khi 2 khu công nghiệp này hình thành sẽ tạo điều để huyện phát triển mạnh hơn nữa về công nghiệp…”.


VĂN GIANG