Sau một thời gian dài rớt giá thê thảm, gần đây giá keo tại các địa bàn miền núi của tỉnh đã tăng trở lại, thậm chí ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, người trồng keo không thể hưởng trọn niềm vui, bởi không còn rừng trồng đủ tuổi khai thác.
Sau một thời gian dài rớt giá thê thảm, gần đây giá keo tại các địa bàn miền núi của tỉnh Khánh Hòa đã tăng trở lại, thậm chí ở mức cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, người trồng keo không thể hưởng trọn niềm vui, bởi không còn rừng trồng đủ tuổi khai thác.
Giá keo cao nhất từ trước tới nay
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Nguyễn Văn Thương (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) đi dặm lại rừng để tính toán chuyện bán keo cho thương lái. Ông Thương cho hay: “Gia đình tôi có 0,8ha keo đã 6 năm tuổi, trữ lượng khai thác phải đạt 100 tấn. Mấy ngày qua, thương lái hỏi mua với giá 50 triệu đồng mà tôi chưa muốn bán, bởi giá keo đang tăng cao”. Theo tính toán của ông Thương, để đầu tư cho diện tích keo này, trong 6 năm qua ông chỉ tốn chưa đến 18 triệu đồng, với giá keo tăng cao như hiện nay, ít nhất ông cũng lãi được 40 triệu đồng mới chấp nhận bán.
Ông Bo Bo Tịnh (xã Thành Sơn, huyện Khánh Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có 2ha keo 6 năm tuổi, vừa bán cho thương lái được 120 triệu đồng, tăng thêm khoảng 20 triệu đồng so với giá năm trước. Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, thương lái đổ xô đi mua keo, giá tăng cao”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá keo trên địa bàn Khánh Sơn và các địa phương trong tỉnh hiện đang được thu mua ở mức 1,32 triệu đồng/tấn, tăng hơn 450.000 đồng/tấn so với đầu năm 2018, tăng 200.000 đồng/tấn so với cuối năm trước, đây là giá cao nhất từ trước đến nay. Theo một số thương lái, nguồn cung trên địa bàn đang khan hiếm bởi phần lớn diện tích keo toàn tỉnh đã bị thiệt hại nặng sau cơn bão số 12 năm 2017. Hiện diện tích có thể khai thác được không nhiều, trong khi xuất khẩu dăm gỗ đang thuận lợi, cung không đủ cầu nên đẩy giá keo tăng cao. Không riêng gì giá keo tại Khánh Hòa mà ở các tỉnh lân cận như: Phú Yên, Bình Định… cũng đang ở mức tương tự.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: “Toàn huyện Khánh Sơn có hơn 3.000ha rừng trồng, chủ yếu là rừng keo của các hộ gia đình. Sau cơn bão số 12, toàn huyện có 460ha rừng bị thiệt hại, hiện diện tích rừng đang ở tuổi khai thác còn rất lớn nên khi keo tăng giá như hiện nay nhiều hộ trồng rừng trên địa bàn được hưởng lợi”.
Niềm vui chưa trọn
Giá keo tăng cao nhưng không mấy hộ trồng rừng tại xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) được hưởng lợi. Theo lãnh đạo UBND xã Khánh Đông, trên địa bàn có đến 800ha keo nhưng chủ yếu là keo trồng mới, chưa đến tuổi khai thác; diện tích keo khoảng 4 - 6 năm tuổi rất hiếm. Trong số hơn 100 hộ trồng rừng, chỉ có vài hộ có keo để bán dịp này. Ông Nguyễn Trường Xuân (xã Khánh Đông) tiếc nuối: “Giá keo tăng cao từng ngày, nhưng gia đình tôi chẳng còn keo đủ tuổi khai thác để bán. Bởi toàn bộ diện tích 4ha keo của gia đình tôi đã bị thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra, giờ chỉ còn lại keo 2 - 3 năm tuổi”. Theo phân tích của ông Xuân, với 1ha keo 6 năm tuổi đầu tư chỉ khoảng 20 triệu đồng, trồng đạt phải đến 140 tấn, với giá bán như hiện nay được khoảng 180 triệu đồng/ha, trừ chi phí, người trồng lãi đến 70 - 80 triệu đồng.
Được biết, toàn huyện Khánh Vĩnh hiện có hơn 10.780ha keo, trung bình mỗi năm có khoảng 2.500ha keo vào kỳ khai thác. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, diện tích keo của Khánh Vĩnh bị thiệt hại rất nặng, diện tích có thể bán được trong dịp tăng giá này không nhiều.
Tương tự, tại các địa phương như: Ninh Hòa, Vạn Ninh, diện tích keo có thể cho khai thác hiện nay cũng rất ít. Vì vậy, người trồng rừng hy vọng giá keo sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong thời gian tới, khi đó sẽ có thêm nhiều hộ được hưởng lợi. Điều này sẽ kích thích phong trào trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
HẢI LĂNG