10:03, 25/03/2019

Chuyển đổi cây trồng 2019: Tập trung vào cây ăn quả

Trong năm 2019, nhiều địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trồng cây ăn quả, nâng cấp quy mô chăn nuôi đang là hướng chuyển đổi được nhiều nông dân lựa chọn.

Trong năm 2019, nhiều địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trồng cây ăn quả, nâng cấp quy mô chăn nuôi đang là hướng chuyển đổi được nhiều nông dân lựa chọn.


Chuyển mạnh sang trồng cây ăn quả


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2019, các địa phương trên toàn tỉnh đăng ký chuyển đổi 777ha cây trồng. Trong đó, huyện Khánh Sơn có diện tích chuyển đổi lớn nhất với 317,5ha. Các mảnh đất kém hiệu quả đang được người dân đặc biệt chú trọng chuyển sang trồng sầu riêng. Dự kiến năm nay, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho nông dân Khánh Sơn hơn 9,2 tỷ đồng để chuyển sang trồng mới hơn 262ha sầu riêng, 50ha bưởi da xanh và 5ha mía tím. Vụ sầu riêng năm 2018, Khánh Sơn thắng lớn cả về năng suất và giá bán, mỗi héc-ta sầu riêng cho thu nhập bình quân từ 200 - 400 triệu đồng. Đó có lẽ là cú hích giúp cho người dân mạnh dạn hơn trong quá trình chuyển đổi.

 

Nông dân Ninh Hòa chuyển từ cây mía đường sang trồng bưởi da xanh.

Nông dân Ninh Hòa chuyển từ cây mía đường sang trồng bưởi da xanh.


Năm 2019, nông dân huyện Vạn Ninh chuyển đổi 230ha, trong đó chủ yếu là chuyển sang trồng cây ăn quả. Theo ông Đỗ Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn: “Xã vừa đón nhận bằng công nhận xã nông thôn mới vào cuối tháng 2. Vấn đề là làm sao để duy trì được thành quả đó, đặc biệt là tiếp tục nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. Trong những năm qua, người dân trong xã đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn quả và một số cây tỏ ra thích hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nơi đây. Vì vậy, sau quá trình tìm hiểu, lựa chọn, năm 2019, người dân sẽ chuyển 30ha đất đồi, vườn tạp, rẫy tạp… sang trồng mít, bưởi, dừa, xoài, bơ, chuối. Ngoài ra, còn chuyển 35ha đất hàng năm kém hiệu quả sang trồng bắp cao sản làm thức ăn chăn nuôi”.


Ở xã Vạn Phước, địa thế trải dài từ biển lên núi. Ở phía biển, hoạt động nuôi trồng thủy sản tương đối phát triển, còn ở phía đồi núi, việc gần hồ chứa nước Hoa Sơn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển sang trồng nhiều loại cây ăn quả. Năm nay, toàn bộ 49ha chuyển đổi cây trồng của xã Vạn Phước tập trung vào các loại cây: bưởi, sầu riêng, mít, xoài, bơ, dừa.

Nâng tầm quy mô chăn nuôi


Được hỗ trợ chăn nuôi tập trung, thị xã Ninh Hòa là địa phương có nhiều mô hình đăng ký chuyển đổi nhất. Có đến 6 xã của địa phương này đăng ký nâng cấp hệ thống chuồng trại, trang thiết bị, con giống để chăn nuôi gà, heo tập trung. Điều kiện để được hỗ trợ là 1 mô hình 100 con heo hoặc 30 con bò hoặc 4.000 con gà trở lên.


Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, tổng đàn gà của địa phương hiện đạt gần 1 triệu con. Những năm qua, hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là nuôi gà ở địa phương đã có bước chuyển dịch từ quy mô nông hộ, nhỏ lẻ sang các trang trại, gia trại. Từ trước đến nay, hình thức chăn nuôi gà quy mô nhỏ lẻ (khoảng 20 - 30 con) ở địa phương khá phổ biến. Tuy nhiên những năm gần đây, hình thức nuôi gà kinh doanh đã chuyển sang gia trại, trang trại. Những cơ sở này được người nuôi đầu tư mạnh mẽ về chuồng trại, con giống, thức ăn, quy trình, công nghệ nuôi… Chẳng hạn như trang trại chăn nuôi khoảng 9.000 con gà của ông Trần Văn Hiếu ở Ninh Ích, hay như đàn gà hàng chục nghìn con của Tổ hợp tác gà nòi thương phẩm Ninh An…, các mô hình này đã đầu tư hàng tỷ đồng vào việc nâng cấp chuồng trại, con giống, thức ăn… đạt chứng nhận trang trại an toàn vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Chính vì thế, áp dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai, nông dân Ninh Hòa đăng ký chuyển sang chăn nuôi gà quy mô lớn, chủ yếu hơn 5.000 con/trại với tổng đàn hơn 30.000 con trong năm 2019.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở đăng ký của các địa phương, sở đã tổng hợp, rà soát và lập kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2019, tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thực hiện. Năm nay, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi 777ha cây trồng, hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung đối với hơn 34.000 con gia súc, gia cầm và hỗ trợ 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tổng kinh phí thực hiện cho hoạt động này gần 43,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 18,7 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.


Hồng Đăng