10:02, 20/02/2019

Cam Lâm: Không còn mặn mà với cây mía

Giá mía giảm gây thua lỗ, nông dân nhiều xã ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển đổi qua trồng mì hoặc ngành, nghề khác. Việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân một số xã còn gặp khó khăn.

 

Giá mía giảm gây thua lỗ, nông dân nhiều xã ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển đổi qua trồng mì hoặc ngành, nghề khác. Việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân một số xã còn gặp khó khăn.


Bỏ mía trồng mì


Nhà có 5ha mía, năm 2018, ông Trần Văn Thanh (xã Cam An Bắc) chuyển hẳn sang trồng mì vì mía không mang lại hiệu quả kinh tế, thậm chí còn lỗ. Ông Thanh cho biết, giá mía hiện tại chỉ khoảng 720.000 đồng/tấn, tính ra giá bán không bù lại đủ chi phí, tiền công bỏ ra nên không chỉ ông mà nhiều người khác cũng không muốn tiếp tục trồng mía nữa.

 

Một diện tích đất trước đây trồng mía không đạt hiệu quả, chủ đất trồng loại cây khác để giữ đất rồi bỏ không.

Một diện tích đất trước đây trồng mía không đạt hiệu quả, chủ đất trồng loại cây khác để giữ đất rồi bỏ không.


Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn các xã cánh tây của huyện, nhiều diện tích mía đã được người dân chuyển sang trồng mì. Ông Hồ Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc cho biết, giá mì hiện tại khi thu hoạch khoảng 4 triệu đồng/sào, trừ chi phí lợi nhuận còn khoảng hơn 1 triệu đồng/sào. Trong khi đó, giá mía hiện tại chỉ có thể hòa hoặc lỗ vốn, nên nhiều người dân không trồng nữa. Diện tích mía hiện nay trên địa bàn xã đã giảm khoảng 30%.


Tại xã Cam An Nam, diện tích mía hiện nay cũng đã giảm khoảng 60ha so với năm ngoái. Theo ông Nguyễn Công Trưng - khuyến nông viên của xã, diện tích mía ở địa phương ngày càng thu hẹp do người dân không còn mặn mà với cây mía. Người lao động đã chuyển sang làm dịch vụ ở các công trình xây dựng, resort tại Bãi Dài với mức thu nhập cao hơn, ổn định hơn.


Khó khăn chuyển đổi cây trồng


Trao đổi với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, chúng tôi được biết, việc người dân bỏ trồng mía là thực trạng chung trên địa bàn huyện. Theo khảo sát của phòng, nhiều diện tích mía đã bị bỏ không, hoặc làm chỉ để giữ đất, người dân không tiếp tục phát triển dù thời gian qua, đơn vị đã hỗ trợ phát triển các giống mía có năng suất cao hơn như: KK3, KU00158... Có xã đã chuyển hầu hết từ trồng mía sang trồng rau màu, loại cây khác như xã Cam Hiệp Nam.


Theo ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, dù không khuyến khích người dân bỏ mía chuyển đổi cây trồng khác, nhưng trước thực trạng trên, đơn vị cũng đã đề nghị các xã hướng dẫn người dân tìm loại cây trồng phù hợp để đảm bảo sinh kế trước mắt, nhất là các loại cây trồng ngắn ngày, rau màu mang lại hiệu quả thiết thực nhất.


Tuy nhiên, với các xã: Cam An Bắc, Cam An Nam, Cam Hiệp Nam, việc tìm loại cây trồng khác để chuyển đổi còn gặp khó khăn vì chưa chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Lâu nay, người dân các địa phương này vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước từ ao, hồ để phục vụ trồng trọt. Vào mùa khô, nước rất khan hiếm. “Dù muốn tìm cây trồng phù hợp để người dân chuyển đổi, nhưng chưa chủ động được nguồn nước, nên chúng tôi vẫn còn loay hoay. Chỉ mong dự án cấp nước tưới tiêu cho xã sớm được triển khai”, ông Nguyễn Công Trưng nói.


Được biết, hiện các xã cánh tây của huyện đang được triển khai dự án kênh chính hồ Tà Rục nhằm phục vụ nước tưới tiêu cho nhiều xã. Tuy nhiên, đến nay, dù các kênh phụ của dự án này đã được triển khai xong, nhưng kênh chính sử dụng ngân sách cấp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa được triển khai hoàn thiện. Chính vì vậy, việc tìm hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp cho một số xã trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn. “Việc chưa chủ động được nguồn nước ảnh hưởng khá lớn đến việc trồng trọt, hỗ trợ người dân tìm cây trồng phù hợp, trong khi đó, lại sắp vào mùa hạn, việc phát triển cây trồng của một số xã chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Qua các lần kiến nghị, mong rằng dự án sẽ sớm được triển khai tiếp để hỗ trợ người dân phát triển trồng trọt nói riêng và nông nghiệp nói chung”,  ông Lê Đình Cường cho hay.


V.THÀNH