12:08, 24/08/2018

Ninh Hòa: Đỏ mắt vì... bí đỏ

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều diện tích trồng bí đỏ trên đồi cao tại thị xã Ninh Hòa đã bị chết do thiếu nước.

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều diện tích trồng bí đỏ trên đồi cao tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã bị chết do thiếu nước.


Những ngày qua, vợ chồng ông Phạm Văn Chích ở thôn 5, xã Ninh Sơn đứng ngồi không yên khi hơn 4ha bí đỏ trồng trên đất rẫy của gia đình đang chết dần, đến nay chỉ còn chưa đến 10%. Ông Chích nói: “Gia đình tôi xuống giống cách đây khoảng 1,5 tháng, nếu thời tiết thuận lợi, có mưa thì bây giờ cây bí đã phủ kín đồi, bắt đầu ra hoa chứ đâu có thê thảm như bây giờ. Tình trạng này kéo dài thêm khoảng 7 ngày nữa thì toàn bộ số bí này sẽ mất trắng”. Theo tính toán của ông Chích, để đầu tư trồng 4ha bí này, gia đình ông đã bỏ ra hơn 21 triệu đồng để mua giống, 20 triệu đồng để thuê nhân công, phát dọn, chuẩn bị đất. Khi thấy cây bí chậm phát triển do thiếu nước, ông đã tốn thêm gần 10 triệu đồng để thuê xe chở nước lên tưới nhưng không hiệu quả, cây vẫn chết. Để có tiền đầu tư trồng bí, gia đình ông đã thế chấp sổ đỏ để vay tiền, mượn thêm người thân. Đến nay, gia đình ông chưa biết lấy gì để trả nợ.

 

Cây bí đã xuống giống cách đây 45 ngày nhưng không phát triển được do thiếu nước.

Cây bí đã xuống giống cách đây 45 ngày nhưng không phát triển được do thiếu nước.


Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Lương ở cùng thôn cũng rơi vào cảnh tương tự khi 2ha bí đỏ trên đồi của gia đình bị chết hoàn toàn. Ông Lương than: “Tính ra gia đình tôi mất hơn 30 triệu đồng cho vụ bí năm nay. Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã khiến gia đình tôi bị thiệt hại nặng về nông nghiệp, những tưởng thời tiết thuận lợi, tập trung trồng, chăm sóc cây bí để gỡ gạc được phần nào nhưng ai ngờ bí chưa kịp ra hoa đã chết héo”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Trung Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn xác nhận: “Hiện nay, toàn xã có khoảng 250ha bí đỏ được trồng trên đất rẫy. Hầu hết diện tích đều được xuống giống cách đây 45 ngày, gặp thời tiết nắng hạn nên bị chết, mất trắng; thậm chí có hộ trỉa giống lại lần hai cũng bị chết. Chỉ có khoảng 30ha bí đỏ trồng xen trên diện tích đất trồng tỏi chủ động được nước tưới thì phát triển tốt”. Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao nông dân lại quyết định xuống giống khi thời tiết đang nắng gay gắt, ông Hải lý giải: “Sau cơn bão số 12, nhiều diện tích keo đã được thu hoạch xong, chưa tiến hành trồng mới nên người dân tranh thủ đất trống để trồng bí. Ngoài ra, xuống giống sớm thì sẽ thu hoạch sớm, trong khi giá bí đỏ đầu vụ bao giờ cũng cao nên năm nay nông dân xuống giống sớm hơn mọi năm khoảng hơn 1 tháng. Ai ngờ năm nay hạn muộn đến vậy, toàn bộ diện tích bí đỏ trên đồi đều chịu cảnh “khát” nước”.


Tương tự, người trồng bí đỏ trên đồi ở các địa phương khác như: Ninh Thượng, Ninh Xuân, Ninh Thân… khi được hỏi về vụ bí năm nay đều lắc đầu ngao ngán. Theo giải thích của họ, do trồng bí đỏ trên đồi cao, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời, trong khi năm nay nắng nóng, gió nam kéo dài nên cây bí không phát triển được, khô lá; nhiều diện tích đã xuống giống gần 50 ngày đã bị chết đến 70-80%.


Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết, người dân tại các địa phương trồng bí đỏ trên đồi cao một cách tự phát. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến cáo nhưng nông dân không tuân thủ, vẫn xuống giống trong cao điểm mùa khô. Hiện nay, tuy chưa xác định được số liệu cụ thể nhưng ước tính toàn thị xã có hàng trăm hec-ta bí đỏ trồng trên đất rẫy, nhiều nhất là xã Ninh Sơn và một số địa phương khác như: Ninh Xuân, Ninh Thượng, Ninh Thân… Nguyên nhân bí đỏ chết chủ yếu do nông dân xuống giống sớm, nguồn nước không chủ động được, gặp nắng hạn nên tỷ lệ cây chết cao; những diện tích chủ động được nước tưới, trồng xen vụ thì vẫn phát triển tốt.


BÍCH LA