10:06, 11/06/2018

Sản phẩm Công nghiệp nông thôn: Trăn trở tìm đầu ra

Những năm gần đây, công nghiệp nông thôn đang có những hướng đi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ ở các địa phương. Tuy nhiên, để những sản phẩm công nghiệp nông thôn có đầu ra ổn định, bền vững thì vẫn còn nhiều trăn trở…

Những năm gần đây, công nghiệp nông thôn (CNNT) đang có những hướng đi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ ở các địa phương. Tuy nhiên, để những sản phẩm CNNT có đầu ra ổn định, bền vững thì vẫn còn nhiều trăn trở…


Cơ sở sản xuất nhỏ gặp khó


Thời gian gần đây, CNNT trên địa bàn tỉnh đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ. Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và các cơ sở sản xuất mới thành lập đã đầu tư dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, trước sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường, để có thể tồn tại, CNNT đang gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm. Đơn cử như trường hợp cơ sở kim chi rong biển Trần Văn Ân (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh), được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu năm 2017 với chất lượng vượt trội. Sản phẩm của cơ sở này đã được đưa vào siêu thị tại TP. Cam Ranh, đưa đi một số nước theo con đường tiểu ngạch (bán cho Việt kiều). Thế nhưng, 2 năm gần đây, lượng khách hàng tăng rất chậm. Ông Trần Văn Ân cho biết: “Năng lực của cơ sở chúng tôi có thể sản xuất nhiều sản phẩm hơn nữa, nhưng làm ra thì bán cho ai, vì nhu cầu tiêu thụ ở địa phương có hạn. Cơ sở rất muốn mở rộng thị trường, nhưng khả năng tài chính hạn chế nên không thể quảng bá rộng rãi”.

 

Theo chủ các DN, đầu ra khó khăn đã trở thành lực cản cho việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đa phần các DN nhỏ, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT đều gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm nhưng để vượt qua không dễ. Một sản phẩm muốn có chỗ đứng trên thị trường, ngoài yếu tố chất lượng thì mẫu mã, hoạt động tiếp thị và chiến lược phát triển đóng vai trò rất quan trọng. Cơ sở chuối sấy dẻo An Hòa (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) có sản phẩm chuối sấy dẻo, nước ép chuối rất độc đáo. Hiện nay, với 2 máy sấy, cơ sở An Hòa có thể sản xuất tối đa 30kg chuối sấy dẻo và 10 lít nước ép chuối/ngày. Sản phẩm đã có mặt tại Nha Trang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Lạt. Để có được thị trường tiêu thụ như vậy, cơ sở phải tự “dò đường” suốt 2 năm. Tất cả đều thực hiện theo hình thức chào mời nhỏ lẻ và các nguồn quen biết, vì vậy, lượng khách hàng vẫn rất khiêm tốn.


Không chỉ các cơ sở CNNT mới ra đời sau này mà các làng nghề có tuổi đời cả trăm năm như: đá mỹ nghệ Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa), đúc đồng Phú Lộc (huyện Diên Khánh), gốm Vạn Bình (huyện Vạn Ninh)… nhiều năm nay cũng loay hoay tìm “lối thoát”. Các sản phẩm ngày càng được nâng cao về chất lượng, tư liệu sản xuất được đầu tư… nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa được cải thiện.

 

zzCơ sở sản xuất chả cá Thuận rất thành công trong việc tìm đầu ra bằng cách quảng bá qua mạng xã hội.

Cơ sở sản xuất chả cá Thuận rất thành công trong việc tìm đầu ra bằng cách quảng bá qua mạng xã hội.

 

Cần nhiều giải pháp


Ông Lê Hoàng Thọ - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nhằm tạo động lực cho CNNT phát triển, những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của sở đã tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và đưa các sản phẩm xuất sắc đi tham dự cấp khu vực, cấp quốc gia. Đây là cơ hội để các DN quảng bá rộng rãi sản phẩm và tìm kiếm thị trường. Sản phẩm sau khi được bình chọn là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh sẽ được quảng bá miễn phí trên trang web của sở trong 1 năm. Hàng năm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại còn tổ chức nhiều chương trình khuyến công cấp tỉnh và cấp quốc gia, hỗ trợ trang thiết bị cho các DN để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng năng suất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. “Tuy nhiên, những hỗ trợ của ngành Công Thương như chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu chỉ là bước khởi đầu, giúp DN có cơ hội tham gia vào thị trường; tạo tiền đề cho các cơ sở sản xuất tìm kiếm cơ hội. Sản phẩm CNNT muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ thì các DN phải tự thân vận động, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm… Đây là những yếu tố do chính chủ các cơ sở sản xuất quyết định, không cơ quan nào có thể làm thay được”, ông Thọ nói.


Mới đây, trong buổi làm việc với Sở Công Thương, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu sở quan tâm hơn đến CNNT. Sở cần nghiên cứu những đề án hỗ trợ để CNNT phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động. Trong đó, vấn đề hỗ trợ các DN, hộ gia đình đầu tư máy móc và tiêu thụ sản phẩm phải được lưu ý. Trong buổi làm việc này, Sở Công Thương cũng đề nghị tỉnh quan tâm cân đối nguồn ngân sách để khuyến khích DN đầu tư đổi mới máy móc, sản xuất sản phẩm mới có chất lượng. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho sản phẩm CNNT có thêm cơ hội tiếp cận thị trường, sở kiến nghị tỉnh cho xây dựng showroom giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại ở địa điểm thuận lợi.


Có thể nói, để sản phẩm CNNT thực sự có chỗ đứng trên thị trường, các DN cần phải hoạch định cho mình một chiến lược dài hơi, tìm hiểu nhu cầu thị trường để cho ra đời những sản phẩm phù hợp. Trong điều kiện thiếu vốn để đầu tư sản xuất và quảng bá thương hiệu, các DN, cơ sở sản xuất CNNT cần sử dụng các trang mạng xã hội, tích cực tham gia các hội chợ khu vực để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm. Thực tế đã có không ít sản phẩm CNNT thành công từ hướng đi này.


ĐÌNH LÂM