Việc Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong hình thành ở phía bắc trong tương lai hứa hẹn sẽ tạo nên đòn bẩy cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư tìm đến các dự án ở phía nam tăng vọt đã và đang tạo nên bước tiến mới cho khu vực này
Việc Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong hình thành ở phía bắc trong tương lai hứa hẹn sẽ tạo nên đòn bẩy cho Khu kinh tế (KKT) Vân Phong phát triển. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư tìm đến các dự án ở phía nam tăng vọt đã và đang tạo nên bước tiến mới cho khu vực này.
Thu hút nhiều dự án đầu tư
Đến thời điểm này, KKT Vân Phong đã thu hút được 157 dự án với tổng vốn 4,02 tỷ USD, trong đó có 42 dự án có sử dụng mặt biển với các ngành nghề chủ yếu là công nghiệp đóng tàu biển, xây dựng cảng biển, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ du lịch. Bình quân mỗi năm, KKT đóng góp cho ngân sách khoảng 4.834,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 33% ngân sách toàn tỉnh, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động.
Nhiều dự án động lực về lĩnh vực kinh tế biển đã và đang được thực hiện như: Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Khu công nghiệp (KCN) Ninh Thủy. Hiện nay, KCN này thu hút 15 dự án với tổng vốn khoảng 90 triệu USD, trong đó có 3 dự án xây dựng trạm phân phối xi măng gắn liền với xây dựng cảng chuyên dùng tại khu vực này. Ngoài ra, Dự án Cảng tổng hợp Nam Vân Phong liền kề KCN Ninh Thủy, Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong ở khu vực Bắc Vân Phong với công suất 30.000 - 70.000DWT cũng đang triển khai xây dựng, dự kiến đầu năm 2019 sẽ đi vào hoạt động. Đặc biệt, dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong với tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng để kịp khởi công xây dựng trong năm 2018. Đây là tín hiệu vui cho KKT Vân Phong.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, để tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, cũng như các hạng mục đầu tư khác, Ban Quản lý KKT đã phối hợp với Sở Công Thương đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ hỗ trợ về chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí đào tạo nguồn nhân lực… cho các nhà đầu tư. Dự kiến các cơ chế, chính sách này sẽ được HĐND tỉnh thông qua trong năm 2018.
Nhiều giải pháp để phát triển
Để có thể phát huy hết các lợi thế và tiềm năng tại khu vực vịnh Vân Phong, đồng thời giúp KKT Vân Phong thực sự phát huy vai trò vùng động lực phát triển, Ban Quản lý KKT Vân Phong đã có những giải pháp cụ thể trong tương lai. Trong đó, đẩy mạnh tiếp cận, tìm kiếm các nhà tư vấn có năng lực và kinh nghiệm phát triển thành công các đặc khu kinh tế trên thế giới để tư vấn lập quy hoạch phát triển Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong có chất lượng trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trong năm 2018. Tập trung công tác thông tin, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, chiến lược phát triển của KKT Vân Phong và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để có thể tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng cùng tham gia đầu tư nhằm tạo nên những thay đổi căn bản cho sự phát triển tại khu vực này.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT Vân Phong còn chủ động nghiên cứu đề xuất với Trung ương phương án chiến lược về phát triển hạ tầng của đặc khu trong việc kết nối với hạ tầng kỹ thuật của quốc gia như: ưu tiên xây dựng trước tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; đường sắt cao tốc Bắc - Nam kết nối Nha Trang với đặc khu; nâng cấp mở rộng các tuyến quốc lộ kết nối giữa Tây Nguyên với Bắc Vân Phong trong kế hoạch phát triển hạ tầng của quốc gia. Hồ chứa nước Đồng Điền cũng như việc sử dụng sân bay Tuy Hòa được xúc tiến để hỗ trợ phát triển Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong trong giai đoạn đầu…
Ông Hoàng Đình Phi cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đến từ Nhật Bản hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong năm 2018, hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm 2021. Đồng thời, đề xuất Trung ương đưa KKT Vân Phong vào nhóm KKT ven biển được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư để tiếp tục tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng một số dự án giao thông trọng điểm khác của khu vực Nam Vân Phong như: Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, KCN Dốc Đá Trắng (Ninh Hòa), KCN Ninh Tịnh; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 26B, tuyến đường giao thông giữa Ninh Thủy và Ninh Hải... và xây dựng một số dự án hạ tầng xã hội quan trọng khác”.
ĐÌNH LÂM