12:05, 31/05/2018

Heo tăng giá mạnh, nguồn cung khan hiếm

Sau thời gian dài rớt giá thê thảm, những tưởng niềm vui sẽ trở lại với người chăn nuôi heo khi giá tăng hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, các cơ sở chăn nuôi heo hiện vẫn hoạt động cầm chừng...

Sau thời gian dài rớt giá thê thảm, những tưởng niềm vui sẽ trở lại với người chăn nuôi heo khi giá tăng hơn 1 tháng nay. Tuy nhiên, các cơ sở chăn nuôi heo hiện vẫn hoạt động cầm chừng...


Sau cơn rớt giá


Ông Lê Thanh Liêm - quản lý trang trại chăn nuôi heo nái ở thôn Tây 3, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) cho biết: “Tôi đầu tư chăn nuôi heo nái từ năm 2015. Sau một thời gian ngắn, giá heo con bắt đầu giảm mạnh và kéo dài 22 tháng liên tiếp. Mỗi tháng, 120 heo nái cho ra đời khoảng 300 heo con. Thay vì bán được khoảng 1,4 triệu đồng/con, tôi chỉ bán được 400.000 đồng, không đủ bù chi phí. Thời gian lỗ mỗi tháng lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng tôi không thể bỏ chuồng vì đã đầu tư hàng chục tỷ đồng vào đây”.

 

Ông Liêm chăm sóc đàn heo.

Ông Liêm chăm sóc đàn heo.


Bên trong những khu nhà chăn nuôi khép kín được đầu tư khá bài bản, có các khu vực dành riêng cho heo nái, heo con. Nhiều khu vực đã bỏ trống do giảm đàn. “Trước đây trang trại có 120 heo nái, sinh sản liên tục. Hiện nay chỉ còn 100 con và chỉ chưa đầy một nửa trong số đó được thả giống theo kiểu cầm chừng. Vì thế, hiện nay tuy giá heo con đã tăng mạnh, đạt mức 90.000 đồng/kg, nhưng cả trại giờ chỉ còn khoảng 50 con heo con”, ông Liêm nói.


Đây cũng là tình cảnh chung của những hộ nuôi heo nái. Với các doanh nghiệp lớn, có đàn heo nái lên đến hàng nghìn con thì còn khó khăn hơn hơn rất nhiều. Lãnh đạo Công ty Nhật Minh - đơn vị có gần 5.000 con heo nái cho biết, thời gian qua, người nuôi heo chỉ hoạt động cầm chừng, chủ yếu duy trì đàn heo mẹ.


Heo thịt cũng trong tình trạng tương tự. Ở Cam Lâm, các gia trại, hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, tổng đàn chỉ khoảng 20 - 30 con trở xuống gần như đóng chuồng hoàn toàn. Các trang trại được đầu tư quy mô, bài bản, tổng đàn thường lên tới 200 - 300 con cũng chỉ duy trì lượng đàn ở mức độ vừa phải nhằm vận hành các thiết bị chăn nuôi đã được đầu tư. Anh Ngọc Nam - người đang chăm sóc đàn heo của một trang trại ở xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm, chia sẻ: “Trước đây trang trại này nuôi khoảng 800 heo thịt, cao điểm có khi lên đến 1.200 con. Hơn 1 năm nay, tổng đàn giảm dần, nay chỉ còn chưa đầy 200 con. Vì thế, dù giá heo hơi đã tăng lên đến gần 50.000 đồng/kg, nhưng cũng như hầu hết các hộ chăn nuôi ở đây, chúng tôi không có nhiều heo để bán”.


Ở góc độ khác, ông Lê Ngọc Tú - Trưởng trạm Thú y huyện Cam Lâm cho biết, cơn bão rớt giá khiến cho khoảng 60% hộ nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện phải treo chuồng, không đầu tư tiếp hoặc chuyển sang nuôi gà. Hiện tổng đàn heo trên toàn huyện chỉ còn khoảng 100.000 con. Giảm khoảng 30% so với thời điểm năm 2016, đặc biệt là đàn đực giống giảm đến 66%.


Không nên ồ ạt tái đàn


Ông Nguyễn Lương Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng, với giá heo hơi chạm ngưỡng 50.000 đồng/kg như hiện nay, nuôi heo đang là nghề siêu lợi nhuận. Mỗi con heo sau khoảng 4 tháng nuôi cho trọng lượng 100kg. Người nuôi lời khoảng 1,4 triệu đồng/con. Với các trang trại có hàng nghìn con, cứ mỗi lứa xuất bán là thu về tiền tỷ. Nhưng thực tế không đơn giản như những phép tính. Vì đây đang là thời điểm có dấu hiệu giá ảo, đang ở mức quá cao so với giá thực. Nếu nhìn vào mức lợi nhuận này để tăng đàn đột biến, nguồn cung sẽ bị thừa và nguy cơ rớt giá sẽ lại xảy ra.


Cũng theo cơ quan chức năng, sau một thời gian dài giảm đàn hoặc bỏ nuôi do thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi thấy giá heo tăng cao sẽ dễ xảy ra tình trạng tái đàn ồ ạt. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh do không đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về vệ sinh thú y, điều kiện chuồng trại, con giống, thức ăn... Đến lúc đó người nuôi sẽ phải đối diện với thua lỗ.


Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 20.000 con heo nái. Lượng heo này chủ yếu tập trung ở những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, chất lượng con giống cao sản, nhập ngoại, như: Công ty Nhật Minh, Khánh Tân… Hệ thống cơ sở này đã đáp ứng được gần 40% nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các trang trại, gia trại có quy mô nhỏ hơn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình hoạt động của các trại heo quy mô nhỏ đó là nuôi khoảng 20 - 30 con heo nái, rồi lấy heo con từ nguồn heo nái này để nuôi heo thịt bán ra thị trường. Tổng cộng các trại chăn nuôi heo nái mỗi năm bán ra thị trường khoảng 250.000 con heo con thương phẩm chất lượng cao. Với heo thịt, toàn tỉnh hiện có khoảng 160.000 con. Hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn đang chiếm hơn 50% và tiếp tục tăng lên trong khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm mạnh.


Hồng Đăng