Cơn bão số 12 đã qua nửa tháng nhưng 2 vườn xoài Úc của ông Đặng Dũng (thôn Suối Lau 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn còn ngổn ngang.
Cơn bão số 12 đã qua nửa tháng nhưng 2 vườn xoài Úc của ông Đặng Dũng (thôn Suối Lau 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vẫn còn ngổn ngang. Ngoài 6,3 sào xoài Úc trồng tại xã Suối Cát, ông còn gần 5 sào trồng ở xã Suối Tân. Gió bão đã làm 270 cây xoài của ông bị bật gốc và gãy cành. Mấy ngày này, ông thuê xe đào, máy cưa và 3 người dọn dẹp cành gãy, cắt gọn cành nhánh, dựng lại cây, quét vôi gốc, xử lý thân cây và bón thuốc kích thích mọc rễ. Tính ra, mỗi sào xoài, ông phải bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để dọn dẹp, dựng lại cây và xử lý phân, thuốc. “Năm trước, tôi thu chính vụ được 11 tấn, trái vụ được 5 tấn, còn vụ Tết này coi như mất. Khôi phục kịp thời, ước tính tôi sẽ cứu được khoảng 80% vườn cây. Tuy nhiên, do cây bị bật gốc, tổn thương nặng nên chắc phải 3 năm nữa mới cho trái trở lại”, ông Dũng cho biết.
Ở xã Cam Hải Tây, nơi có diện tích xoài tập trung nhiều nhất huyện, bão chủ yếu làm rụng, hư bông xoài, tỷ lệ cây bị đổ không nhiều. Ông Nguyễn Công (thôn Tân Hải) cho biết, 9 sào xoài Úc trồng hơn 10 năm của gia đình ông đã bị bão đánh bật gốc một số cây. Vừa dứt bão, ông lập tức lo dựng lại những cây xoài bị đổ, sau nửa tháng thì hoàn tất. Do bị bật gốc, phải cắt cành toàn bộ nên cây chắc chắn bị mất sức, hồi phục lâu. Ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho biết, toàn xã có 975ha xoài, trong đó gần 50% là xoài Úc, cát Hòa Lộc, thiệt hại chủ yếu là bị rụng bông. Những cây bị gãy cành, bật gốc đa số là giống xoài Úc, cát Hòa Lộc, bồ xanh, giống xoài canh nông (xoài tây) có gốc khỏe, rễ sâu, ít bị đổ. Khảo sát sơ bộ cho thấy, trong diện tích trồng xoài Úc, cát Hòa Lộc của xã, số bị ngã đổ chiếm hơn 10%; khoảng 50% bị hư bông. Đến nay, người dân đã cơ bản chặt bỏ cành gãy, chống dựng xong cây đổ.
Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đối với cây ăn quả tập trung, để khôi phục sản xuất sau bão, người dân cần thoát nước nhanh trong vườn, cắt bỏ cành gãy, bị tổn thương nặng, cố định thân cây để tránh bị lỏng gốc, giậm chặt đất quanh gốc. Khi đất đã se mặt, xới mặt đất ở vùng tán cây bằng cuốc răng để phá váng. Đối với cây ăn quả bị long gốc, không bón phân hóa học vào đất, chỉ dùng phân bón lá YOGEN, KOMIX, WEHG… phun ướt đều tán để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Theo dõi thường xuyên, kịp thời phát hiện bệnh ở những cây long gốc. Có thể dùng các loại thuốc trừ nấm như: Ridomil gold 68WG hoặc Aliette 800WWP tưới gốc 2 - 3 lần cách 20 - 25 ngày theo nồng độ khuyến cáo của nhà sản xuất. Những cây bị gãy thân chính thì cưa cành gãy, chọn 1 - 2 chồi khỏe nhất để chăm sóc thành cây chính thay thế. Quét nước vôi hoặc thuốc nấm gốc và quét vào vết cưa để hạn chế nấm xâm nhập. Khi bộ rễ đã ổn định trở lại mới bón phân cho vườn cây.
Được biết, huyện Cam Lâm hiện có hơn 5.000ha xoài, trong đó, xoài Úc và Hòa Lộc khoảng 3.200ha. Đối với thiệt hại về cây ăn quả trong cơn bão số 12, theo ông Bùi Quang Nam - Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện, sau bão, huyện đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Bên cạnh tập trung giúp người dân sửa nhà, ổn định đời sống, huyện chỉ đạo tiến hành các bước kê khai, xác định thiệt hại về cây trồng, vật nuôi theo Nghị định 02 của Chính phủ nên hiện nay chưa có thống kê chính xác về thiệt hại đối với cây xoài.
TIỂU MAI