Tết này, tuy năng suất kiệu đạt trung bình nhưng giá thu mua kiệu khá cao nên người trồng kiệu cũng có lãi; ngược lại, thương lái có nguy cơ bị thua lỗ…
Tết này, tuy năng suất kiệu đạt trung bình nhưng giá thu mua kiệu khá cao nên người trồng kiệu cũng có lãi; ngược lại, thương lái có nguy cơ bị thua lỗ…
Nông dân lãi không nhiều
Những ngày này, các vùng trồng kiệu trong tỉnh đang rộn ràng bước vào mùa thu hoạch rộ. Về xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) - vùng trọng điểm kiệu của tỉnh, ông Nguyễn Nhẹ (thôn Quảng Hòa) cho biết, tuy năng suất chưa như ý, chi phí cao, nhưng do giá bán kiệu khá cao nên người trồng kiệu cũng có lãi, tuy nhiên không nhiều. 1 sào (1.000m2), ông đầu tư 17 - 18 triệu đồng; trong đó, giá giống bình quân 36.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 45.000 đồng/kg. Đầu vụ, mưa kéo dài nên khó xuống giống, cuối vụ gặp nắng nên củ kiệu khó làm bột, dẫn đến năng suất không cao. Ông Nhẹ có 8 sào kiệu nhưng lãi chưa tới 40 triệu đồng.
|
Thu hoạch kiệu tại xã Cam An Nam (huyện Cam Lâm). |
Năm nay, ông Nguyễn Văn Thao (thôn Quảng Hòa) thu nhập từ kiệu thấp hơn năm trước. Lợi nhuận hơn 2ha ruộng kiệu cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng; trong khi những năm trước, ông có thể thu 300 - 400 triệu đồng. Ông Thao cho rằng, sở dĩ lãi ít là do năng suất không đạt. Đến thời điểm này, ông Thao bán gần hết 2ha ruộng kiệu với 2 mức giá: 28 triệu đồng/sào và 24 triệu đồng/sào, nhưng số diện tích bán có giá chỉ được 4 sào nên lãi bình quân chỉ 4 - 5 triệu đồng/sào.
Hiện nay, giá bán kiệu tại chợ Xóm Mới và chợ Vĩnh Hải (TP. Nha Trang) khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. Một tiểu thương (chợ Xóm Mới) cho biết, giữa 2 loại kiệu Khánh Hòa và Bình Định, đa số khách hàng chọn mua kiệu Bình Định, bởi kiệu Bình Định tuy hơi vàng, nhỏ củ nhưng chắc và giòn hơn kiệu Khánh Hòa.
|
Huyện Cam Lâm cũng là địa phương có khá nhiều diện tích trồng kiệu, mỗi xã bình quân 5 - 6ha. Ông Trần Quang Tuấn (thôn Văn Tứ Tây, xã Cam Hòa) cho biết: “Năm nay, gia đình trồng 2ha kiệu, năng suất bình quân 12 tấn/ha, lãi 100 triệu đồng. Số kiệu này đã được thương lái mua toàn bộ với giá 23.000 - 24.000 đồng/kg”.
Một điều dễ thấy là sức mua của thị trường kiệu năm nay khá tốt. Người trồng kiệu không bị ép giá, có bao nhiêu thương lái mua bấy nhiêu. Từ khoảng ngày 20-11 âm lịch, thương lái đã đổ về các nơi trồng kiệu để đặt mua, đưa trước 1/2 hay 2/3 số tiền, sau đó chờ đến khi nhổ kiệu thì giao toàn bộ số còn lại. Với phương thức này, nông dân có lợi, bởi không phải lo khâu thu hoạch và có thể thương lượng được giá cả.
Thương lái đang thua lỗ
Tết đã đến cận kề. Sau mùng 10 tháng Chạp, tất cả các ruộng kiệu đều đã được nhổ bán. Đây là lúc quyết định thương lái có lời hay không. Thế nhưng, ông Phan Văn Triết - tư thương thu mua kiệu tại Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) rầu rĩ: “Năm nay, nông dân có lợi, nhưng cánh thương lái như chúng tôi thì đang thua lỗ. Khi mua đám, tôi đánh giá 25 - 27 triệu đồng/sào nhưng khi nhổ lên đem bán tại TP. Hồ Chí Minh chỉ được 23 - 24 triệu đồng/sào, chưa kể chi phí vận chuyển”. Còn ông Nguyễn Chín - thương lái mua kiệu tại xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm) cho biết, năm nay, thương lái mua kiệu lỗ nặng bởi giá cao nhưng sản lượng đạt thấp, chất lượng chưa đạt như mong muốn. Ngoài ra, thị trường phía Nam đang dè chừng nên sức mua kém. “Chúng tôi đang hy vọng sức mua sẽ thay đổi khi áp Tết” - ông Chín nói.
|
Sơ chế, đóng bao kiệu tại xã Cam Hiệp Bắc. |
Theo ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, hiện tại, giá bán kiệu tuy có hạ chút ít so với đầu vụ nhưng nông dân vẫn có lãi. Ngược lại, thương lái thì buồn bởi kiệu chủ yếu bán tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ nhưng đang gặp ế ẩm.
Mùa kiệu Tết năm nào cũng chứa đựng những yếu tố bất ngờ, phải đợi đến thời gian cuối mới rõ. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, nông dân được lợi, còn thương lái đang phập phồng đợi thị trường khởi sắc.
Vĩnh Lạc - Thiều Hoa