Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, sau ngày 15-7 sẽ giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%. Tuy còn không ít băn khoăn nhưng nhiều NH đã nhập cuộc nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau ngày 15-7 sẽ giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%. Tuy còn không ít băn khoăn nhưng nhiều NH đã nhập cuộc nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN).
. Giải pháp quyết liệt
“Các ngân hàng thương mại (NHTM) khẩn trương rà soát các hợp đồng tín dụng cũ và giảm lãi suất của các hợp đồng này xuống dưới 15% kể từ ngày 15-7. Với các khoản vay mới, lãi suất cho vay áp dụng theo mặt bằng lãi suất hiện hành, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng. Sau ngày 15-7, các NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các NHTM trên địa bàn triển khai rà soát các hợp đồng tín dụng này đến từng DN để đánh giá đúng tình hình và có giải pháp xử lý phù hợp”. Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết đây là chỉ đạo của Thống đốc NHNN và cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành NH để sát cánh, chia sẻ cùng DN, tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho DN.
6 tháng đầu năm, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đi đúng hướng, nhất là nỗ lực điều hành lãi suất. Các mức lãi suất điều hành đã giảm nhanh với mức giảm từ 4 - 5%/năm. Thể chế tiền tệ và hoạt động NH tiếp tục được hoàn thiện, những vướng mắc về tiền tệ, tín dụng, quản trị NH được xử lý tương đối kịp thời. Điều hành chính sách tiền tệ đã chủ động dẫn dắt thị trường. Thanh khoản VND của toàn hệ thống được đảm bảo và có xu hướng cải thiện so với cuối năm 2011 do huy động vốn tăng cao. Số dư tiền gửi bình quân của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN tăng dần qua các tháng. Thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế nói chung và ngành NH nói riêng là vấn đề tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng thấp, sức tiêu thụ của thị trường không cao, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của NH. Khả năng trả nợ NH của DN và hộ dân suy giảm, DN khó khăn… Cũng theo ông Đoàn Vĩnh Tường: “Điểm lưu ý của 6 tháng đầu năm là tín dụng tăng trưởng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng tăng thấp nhưng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Trong thời gian đến, NH sẽ nỗ lực tìm giải pháp tăng trưởng tín dụng nhưng vẫn phải lành mạnh để góp phần tăng trưởng kinh tế, nếu không sẽ tạo nên những vòng xoáy sâu hơn, nguy hiểm hơn. Bởi vậy các TCTD có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng
Hiện nay, kỳ vọng lạm phát thấp nhưng một số TCTD vẫn niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng ở mức cao hơn 12%. Lãi suất cho vay bằng VND tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao vẫn còn lớn. Chính vì thế, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các NHTM phải có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho và kiên quyết chỉ đạo các NHTM phải giảm lãi suất cho vay các khoản vay cũ về 15% dù điều này sẽ khiến lợi nhuận của ngành NH trong năm sụt giảm mạnh.
. Ngân hàng nhập cuộc
Các ngân hàng đang tích cực chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp |
Hiện nay, NH Công thương Việt Nam (VietinBank) đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống rà soát dư nợ các khoản vay cũ, điều chỉnh giảm lãi suất về mức 15%/năm để chia sẻ khó khăn với DN và hộ dân. Đồng thời, yêu cầu các chi nhánh tích cực và chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với khách hàng vay để rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn nợ nhằm hỗ trợ khách hàng.
Từ 15-7, Agribank cũng áp dụng lãi suất cho vay tối đa 15% đối với các khoản vay cũ của khách hàng. Ngoài ra, Agribank còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để việc hạ lãi suất có hiệu quả hơn như tăng cường tiếp thị để mở rộng số lượng và phạm vi khách hàng vay vốn, chủ động tiếp cận, làm việc với khách hàng vay để nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ của Agribank, chia sẻ và xử lý khó khăn cho khách hàng. Đối với khách hàng vay gặp khó khăn về tài chính và khả năng trả nợ, các chi nhánh thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục cho vay mới nếu có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả… NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Vietcombank cũng đã thông báo triển khai kế hoạch điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ. Theo ông Nguyễn Đôn Minh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Khánh Hòa, các khách hàng của BIDV đều đã được điều chỉnh giảm lãi suất cho vay theo những đợt giảm lãi suất trong thời gian qua của BIDV với mức lãi suất từ 12-14%. Bà Lương Thị Cẩm Tú - Giám đốc Sacombank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Hoạt động của NH luôn đồng hành cùng DN. NH giảm lãi vay không chỉ cứu DN mà còn cứu chính mình. Nếu nguồn vốn NH không được đẩy ra cho DN tiếp cận, DN sẽ không có điều kiện tiếp tục phát triển, không thể giải phóng hàng tồn kho và hệ quả tất yếu là những món nợ cũ trở thành nợ xấu. Vì thế, ngay sau chỉ đạo của Thống đốc, chúng tôi đã và đang rà soát lại tất cả các hợp đồng tín dụng để xem xét điều chỉnh lãi suất phù hợp theo đúng chỉ đạo của NHNN”.
Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một phần, việc DN có tiếp cận được vốn hay không còn phụ thuộc vào hệ số tín nhiệm, phương án kinh doanh, xếp hạng tín dụng và tài sản bảo đảm của DN. Và hầu hết NH đều cho rằng, NH chỉ tiếp sức cho các DN còn có cơ hội khôi phục hoạt động.
BÍCH KHUÊ
Ông Đoàn Vĩnh Tường - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa: Các NHTM phải có trách nhiệm thông tin cho DN biết để triển khai thực hiện, hoặc tổ chức các hội nghị khách hàng để nắm bắt tình hình thực tế và thảo luận cụ thể với các DN để có các giải pháp hữu hiệu, bảo đảm phát huy hiệu quả tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh của DN. Nếu đến thời hạn quy định mà NHTM không thực hiện, DN thông báo cho NHNN để có biện pháp giải quyết.
Bên cạnh đó tồn tại một thực tế là có NH thông báo giảm lãi suất nhưng lại thu phí. DN phải lên tiếng nếu NH có bất kỳ khoản thu phí nào liên quan đến lãi suất cho vay bất hợp l
Theo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa: Đến cuối tháng 6, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 20.503 tỷ đồng, so đầu tháng, dư nợ tăng 37 tỷ đồng với tỷ lệ 0,18%. So với đầu năm, dư nợ tăng 278 tỷ đồng với 1,37%; so cùng kỳ năm trước tăng 682 tỷ đồng với tỷ lệ 3,44%. Dư nợ tín dụng tăng 1,8% với 278 tỷ đồng, tăng chủ yếu cho vay bằng ngoại tệ 401 tỷ đồng với 12,1% do điều kiện vay ngắn hạn bằng ngoại tệ tiếp tục giữ nguyên đến cuối năm 2012, dư nợ bằng VND giảm nhẹ 123 tỷ đồng với 0,73% do lãi suất vay bằng VND chưa giảm nhiều. Tuy nhiên, từ tháng 6, với nhiều chương trình cho vay kích cầu tiêu dùng, dư nợ bằng VND đã tăng trở lại 134 tỷ đồng, trong đó cho vay tiêu dùng tăng 70 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dư nợ tín dụng tăng chậm, nhưng đầu tư đúng hướng, tập trung phục vụ các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn tăng tăng 451 tỷ đồng với tỷ lệ 16,2%; cho vay các đối tượng chính sách (NHCSXH) tăng 56 tỷ đồng với 4,33%.
Các NH có dư nợ tăng trưởng cao so với đầu năm: NH Ngoại thương NT 11,57%, NH Á Châu 19,63%, NH Sài Gòn Thương Tín 8,5%. Riêng chi nhánh NH Quân đội và NH Đại Dương có dư nợ tăng trưởng cao do dư nợ từ Hội sở chính chuyển về. Có 20/34 NH có dư nợ giảm.