07:04, 25/04/2008

Mất mùa lại gặp... cân gian!

Sau hơn 4 tháng đầu tư công sức, tiền của, người trồng xoài huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà chỉ mong ngày thu hoạch. Vậy mà...

Cân gian đang là mánh khóe của các chủ vựa.

Sau hơn 4 tháng đầu tư công sức, tiền của, người trồng xoài huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà chỉ mong ngày thu hoạch. Vậy mà, khi mùa thu hoạch đến, trên cây chỉ toàn lá non! Số quả không bằng 20% vụ trước! Xoài mất mùa, người trồng xoài chỉ còn hy vọng ở giá bán. Nhưng hy vọng cũng tiêu tan bởi nạn cân gian…

° XOÀI MẤT MÙA!

Vừa dẫn tôi đi thăm vườn xoài, ông Trần Đào Nhơn (thôn Bãi Giếng 2, Cam Hải Tây) vừa chia sẻ: “7,5 ha xoài của tôi, chủ yếu là giống Thủy Triều (xoài canh nông) trái nhỏ, vụ này coi như hỏng. Xoài ra hoa gặp đúng thời tiết giá lạnh, mưa nhiều, bông hỏng hết, có đậu quả cũng rụng. Lỗ đến 20 triệu đồng! Các giống xoài Bồ, xoài cát Hòa Lộc thì đỡ hơn nhưng chẳng bù đắp được vì số lượng ít…”. Quả vậy, đi dưới những tán xoài “cổ thụ” có cành vươn xa hơn 10m, tôi đếm không được bao nhiêu quả. Ông Nhơn cho biết, chi phí cho vườn xoài, riêng tiền thuốc đã hết 24 triệu đồng!

Vườn xoài của anh Diệp Thế Thanh ở thôn Tân Hải (Cam Hải Tây) cũng không hơn gì. Năm nay, xoài Thủy Triều mất mùa, cây chỉ toàn lá non. Nhiều năm trở lại đây, anh Thanh luôn là người đi đầu sử dụng chất tăng trưởng để kích thích xoài ra hoa nhưng năm nay cũng “chào thua” bởi thời tiết bất thường, mưa lạnh kéo dài suốt thời gian xoài ra hoa, đậu quả. Anh Thanh cho biết, giống xoài Thủy Triều năm nay thất thu vì lượng bông rất ít, tỷ lệ đậu quả thấp.

Cam Lâm từ lâu là vùng chuyên canh xoài lớn nhất của tỉnh. Hàng năm, vào mùa xoài, nhiều xe đóng hàng vào ra tấp nập. Trên quốc lộ, đâu đâu cũng thấy bày bán xoài. Năm nay, đã vào vụ hơn nửa tháng mà xoài thu mua chưa được bao nhiêu. Nhiều chủ vựa cho biết, họ phải liên kết nhau để gom mới đủ chuyến hàng.

° CHỦ VỰA CÂN GIAN!

Những ngày này, về Cam Hải Tây - thủ phủ xoài Cam Lâm, nghe người trồng xoài ca thán về nạn cân gian mà ngán ngẩm. Anh Lê Văn T. (Bãi Giếng 2) bức xúc: “Đầu tư 4 mẫu xoài, tiền thuốc tốn hơn 8 triệu đồng, hái được 4 tạ đã hết xoài. Nhưng đem ra vựa, số xoài trên cân chỉ còn 3,6 tạ, mất hơn 50kg! Đã mất mùa lại còn bị “ăn gian”!”. Chị D. (thôn Tân Hải) cũng ca thán: “Đem 50kg xoài đến vựa cân còn 44kg, 40kg thì còn 35kg… Cân càng nhiều, càng mất nhiều. Có vựa còn “quái” hơn, cứ trên 100kg là cân không nhảy nữa (!?)”. Nghe người trồng xoài than, tôi cũng bực lây: “Sao biết cân gian mà các chị còn bán?”. Họ trả lời: “Không bán thì bỏ đi đâu? Vựa nào chẳng cân gian! Từ Suối Tân đến Cam Thành, hơn 100 vựa, hầu như nơi nào cũng vậy. Làm căng thì họ bảo “đem đi Trung Quốc mà bán”!”

Tôi quyết định thử “khảo sát”. Biết chắc số cân của mình (64kg), tôi lân la đến hỏi chuyện một số vựa xoài trên quốc lộ, rồi giả vờ leo lên cân thử. Kết quả khiến tôi không dám tin vào mắt mình: Vựa đầu tiên, tôi còn 59kg; vựa thứ hai: 60kg, vựa thứ ba: 61kg!!! Không vựa nào giống vựa nào, nhưng nơi nào cũng hao hụt ít nhất vài ba kg! Phản ánh của người dân về nạn cân gian là có thật 100%. Năm nay, do mất mùa, lượng quả ít nên xoài có giá, việc chỉnh cân theo hướng có lợi cho vựa còn trắng trợn hơn. Chủ vựa sẵn sàng đưa cân đến thợ chỉnh bằng cách chêm cân hay cắt cân để hưởng chênh lệch bất chính. Một vựa thường có ít nhất 3 cân để “tùy cơ ứng biến”, “ăn gian” ít nhất 10%, thậm chí 20%.

Nhiều bà con ở Cam Lâm cho biết, việc cân gian đã có từ khoảng hơn chục năm nhưng gần đây càng trở nên quá quắt. Ban đầu, chủ vựa nói là để “xin phần hao hụt vận chuyển”, bây giờ nghiễm nhiên thành “luật”, ai không chịu bán thì tự đi mà tiêu thụ. Anh Diệp Thế Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây khẳng định, việc cân gian là có thật nhưng không sao dẹp được vì hình như các chủ vựa liên minh với nhau. Với sản lượng xoài của Cam Hải Tây bình quân hàng năm 3.800 tấn, giá bán hiện tại 5.000 đồng/kg (xoài Thủy Triều), tính ra, nếu cân gian 15% thì số tiền các chủ vựa chiếm đoạt của nông dân quả là không nhỏ!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc cân gian xoài có “thỏa thuận ngầm” giữa các chủ vựa. Họ cùng thống nhất làm việc đó để hưởng lợi. Và phần thiệt thòi tất nhiên thuộc về nông dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Cam Lâm cần vào cuộc điều tra để xử lý, tránh những thua thiệt không đáng có cho nông dân.

HOÀI AN