Nếu được ngồi trên máy bay, mọi người mới thấy hết lợi thế của vịnh Vân Phong. Đặc biệt, khu vực Đầm Môn có nhiều núi bao bọc tạo ra một vịnh kín gió...
Dự án cảng trung chuyển và Nhà máy thép liên hợp có thể tồn tại song hành trên vũng Đầm Môn để cùng phát triển. |
° Tiến sĩ Nguyễn Thiết Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển tỉnh Khánh Hòa
KỲ I: Vân Phong và những giá trị đích thực
Nếu được ngồi trên máy bay, mọi người mới thấy hết lợi thế của vịnh Vân Phong. Đặc biệt, khu vực Đầm Môn có nhiều núi bao bọc tạo ra một vịnh kín gió, độ sâu trung bình lý tưởng (từ 22 - 30m), không bị bồi lắng…
Những năm 90 của thế kỷ XX, Bộ Giao thông - Vận tải lập quy hoạch phát triển cảng biển nhưng vịnh Vân Phong chỉ được lưu ý là cảng tiềm năng. Bằng sự nỗ lực của những người có tâm huyết, tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý để đưa những chiếc tàu chuyên chở dầu đầu tiên vào trung chuyển trên vịnh Vân Phong. Hoạt động này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia. Qua nhiều lần nghiên cứu, hội thảo, Bộ Thương mại (trước đây) và nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã có đề nghị thành lập Nhà máy lọc hóa dầu số 1 trên vịnh Vân Phong…
Từ khi có Quyết định 51/2005 của Chính phủ về Quy hoạch chung KKT Vân Phong đến năm 2020, thì mục tiêu phát triển ở đây là: Phát triển KKT Vân Phong thành KKT tổng hợp; trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch dịch vụ, nuôi trồng hải sản… Từ lúc này, vịnh Vân Phong đã được đánh thức. Vì vậy những năm qua, Khánh Hòa đã nỗ lực cải cách hành chính, thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong. Khởi đầu cho sự phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước là việc cấp phép đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong (do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư) với số vốn xây dựng giai đoạn I khoảng 185 triệu USD. Đến nay, KKT Vân Phong có 60 dự án đầu tư. Riêng năm 2007, KKT có 38 dự án đăng ký với tổng số vốn gần 20 tỷ USD. Nhiều dự án có quy mô lớn đã được cấp phép như: Khu phức hợp Công nghiệp nặng STX Vina (vốn đầu tư 0,5 tỷ USD), Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong (vốn 100 triệu USD), Khu Du lịch sinh thái biển Hòn Ngang - Bãi Cát Thấm (vốn 220 triệu USD), Trạm phân phối Xi măng Nghi Sơn (vốn 20 triệu USD). Đặc biệt giữa năm 2007, Tập đoàn Posco đã chủ động xin đăng ký đầu tư Nhà máy thép liên hợp Posco - VinaShin với số vốn 9,5 tỷ USD. Ngoài ra, chủ một số dự án lớn cũng đang tìm hiểu để quyết định đầu tư. Điều này thể hiện rõ giá trị đích thực mà KKT Vân Phong sẽ mang lại cho đất nước trong tương lai.
Tuy nhiên, từ khi Chính phủ cho chủ trương lập dự án Nhà máy thép liên hợp tại vũng Đầm Môn, nhiều nhà khoa học đã có những đánh giá chưa thật sự xác đáng. Bởi lẽ, KKT Vân Phong được Chính phủ quy định phát triển cảng biển làm chủ đạo nhưng phải có sự kết hợp với phát triển công nghiệp, du lịch dịch vụ… Cảng biển làm chủ đạo có thể được hiểu là quan trọng nhất; nhưng không phải chỉ phát triển một mình cảng biển mà không cho các dự án khác vào đầu tư ở khu vực này. Những dự án công nghiệp bình thường không cần cảng có thể làm ở đâu cũng được; tuy nhiên, những dự án hoạt động cần sử dụng cảng nước sâu có hiệu quả, đòi hỏi Nhà nước có sự chia sẻ hài hòa trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tạo ra những lợi ích kinh tế tốt nhất cho đất nước.
Tôi cho rằng: Giá trị đích thực của KKT Vân Phong là cảng nước sâu. Lịch sử phát triển cảng Vân Phong không tiến lên trên con đường bằng phẳng mà gập ghềnh, ngoằn ngoèo nhưng cũng sẽ đến đích. Thực chất khi làm quy hoạch, tỉnh cũng nghĩ chỉ có phát triển cảng nước sâu là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tầm nhìn của Chính phủ rộng hơn khi định hướng phát triển KKT Vân Phong thành KKT tổng hợp. Do đó, khi KKT này chưa có nhà đầu tư nào “nhòm ngó”, vị trí cảng trung chuyển có được lợi thế “một mình một chợ”. Đến lúc một số ngành công nghiệp nặng cần tận dụng lợi thế cảng nước sâu, bắt buộc Chính phủ phải có sự tính toán lại để điều chỉnh, chia sẻ sao cho phát huy được hiệu quả kinh tế của nhiều dự án trong cùng một khu vực (như thông báo ngày 23-1-2008 của Văn phòng Chính phủ). Cuộc họp các thành viên của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đều là những người đã từng làm công tác nghiên cứu khoa học trước khi chuyển sang công tác quản lý. Việc nghiên cứu, thảo luận của một tập thể có trách nhiệm cao mới có thể đi đến quyết định việc cho Nhà máy thép “sống chung” với cảng trung chuyển trong một khoảng thời gian.
N.T.H
KỲ II: CẦN PHÂN TÍCH VÀ ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN