Việc áp dụng giá sàn 85.000 đồng/vé/chiều có thể gây bất lợi cho hãng hàng không và cho cả khách hàng vì sẽ bị hạn chế khả năng đưa ra vé siêu khuyến mãi...
Khách hàng đăng ký vé máy bay trong dịp Tết. |
Việc áp dụng giá sàn 85.000 đồng/vé/chiều có thể gây bất lợi cho hãng hàng không và cho cả khách hàng vì sẽ bị hạn chế khả năng đưa ra vé siêu khuyến mãi.
Trước những biến động liên tục của thị trường vận tải hàng không trong vài năm gần đây, Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh giá vé máy bay các tuyến nội địa của các hãng hàng không trong nước. Hướng điều chỉnh có thể là tăng trần giá vé từ 1,5 triệu đồng/vé/chiều lên 1,7 triệu đồng đối với đường trục Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh (HCM). Đồng thời lần đầu tiên quy định mức sàn 85.000 đồng/vé/chiều để các hãng không được bán giá thấp hơn và dự kiến thời điểm áp dụng từ ngày 1-1-2008.
Đa dạng hóa giá vé
Từ trước đến nay, các hãng hàng không được tự xây dựng giá bán trên các đường bay quốc tế. Đối với đường bay nội địa, chỉ có đường trục được quản lý bởi giá trần do Bộ Tài chính ban hành. 5 năm gần đây, tuy thị trường hàng không liên tục có biến động về cung - cầu nhưng mức trần 1,5 triệu đồng vẫn không thay đổi. Cả hai hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) và Pacific Airlines (PA) đã nhiều lần đề nghị được kéo giãn biên độ giá để có thể đưa ra nhiều loại giá khác nhau nhưng chưa được chấp thuận.
Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ về khả năng điều chỉnh giá trần, ông Nguyễn Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA, nhận xét đây là một bước tiến trong quá trình nới lỏng kiểm soát của Chính phủ, tiến tới tự do hóa vận tải hàng không. “Việc cho ra đời một số hãng hàng không mới hay việc nâng giá trần là phù hợp với quá trình tự do hóa mà Chính phủ đã cam kết. Đối với VNA, bức tranh về tài chính sẽ có nhiều ý nghĩa tốt hơn vì các đường bay trong nước, đặc biệt là một số tuyến lỗ sẽ giảm đi. Năng lực tài chính trong điều hành kinh doanh tổng mạng bay sẽ nâng lên” - ông Minh nói.
Hiện nay, VNA và PA đều có khoảng hơn 20 loại giá khác nhau. Nếu được giãn trần, biểu giá sẽ có thêm nhiều loại mới, đặc biệt là các mức giá thấp phù hợp với đối tượng khách bình dân.
Có cần thiết phải ban hành giá sàn?
Lý do ban hành giá sàn, theo Cục Hàng không VN là do Luật Hàng không quy định phải ban hành khung giá cho các đường bay nội địa. Tuy nhiên, việc dự kiến ban hành giá sàn đang khiến các doanh nghiệp quan ngại. Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc PA, cho biết các hãng hàng không hoàn toàn không biết đến việc này. Ông Nam phân tích: Giá sàn áp dụng trong trường hợp nhà quản lý e ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh mang tính chất cá lớn nuốt cá bé. Chẳng hạn khi có doanh nghiệp lớn bán giảm giá hàng loạt để loại bỏ doanh nghiệp yếu hơn khỏi thị trường trong một khoảng thời gian nhất định có tính toán để quay trở lại thế độc quyền. Với thị trường VN, chưa có khả năng xảy ra hiện tượng này nên không nhất thiết phải áp dụng. Còn nếu nhất thiết phải có khung giá thì có thể coi mức sàn là 0.
Hãng hàng không bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu áp dụng giá sàn sẽ là PA vì từ khi chuyển đổi sang mô hình hàng không giá rẻ, hãng này liên tục tung ra giá vé siêu khuyến mãi với mức thấp nhất 15.000 đồng/vé/chiều. Nếu giá sàn được quy định trên đường trục là 85.000 đồng/vé/chiều (các đường bay khác có mức thấp hơn) có nghĩa là PA sẽ không được bán vé 15.000 đồng. Theo ông Nam, khi một chuyến bay đến ngày, giờ cất cánh, bất kỳ giá nào hành khách trả cũng đều là doanh thu có lợi. Hãng hàng không chẳng mất thêm gì để phục vụ một hành khách với 15.000 đồng vì đằng nào cũng phải bay. Chính vì vậy, hãng hàng không Nok Air của Thái Lan mới đây còn tung ra chiến dịch bán vé 1.500 đồng (0,1 USD). Với mô hình kinh doanh của PA, việc áp dụng giá sàn là bất lợi không chỉ cho hãng mà cho cả hành khách vì sẽ bị hạn chế khả năng đưa ra giá vé siêu khuyến mãi.
Ông Nguyễn Ngọc Minh cũng lấy ví dụ về trường hợp của Nok Air và cho rằng ban hành giá sàn là không cần thiết vì sản phẩm hàng không rất khác biệt. “Hiện nay, các doanh nghiệp hàng không tham gia vào thị trường VN rất nhiều. Xu hướng chung là nhà chức trách VN nên nới lỏng kiểm soát. Trên các đường bay quốc tế, phần lớn các nước đã bãi bỏ kiểm soát giá vé” - ông Minh khẳng định.
Theo NLĐ